Những quán phở Nam Định nổi tiếng ở Hà Nội, lúc nào cũng đông khách

Sức quyến rũ của phở Nam Định thể hiện ở một thực tế, ngay trên “đất phở” Hà Nội, món phở thành Nam vẫn được yêu thích với những quán luôn nườm nượp khách.

Nói đến món phở, vùng đất người ta nghĩ đến đầu tiên luôn là Hà Nội. Tuy nhiên, phở Nam Định vẫn có chỗ đứng vững chắc trên đất Thủ đô, nơi thực khách luôn sành ăn và đòi hỏi cao về chất lượng.

Phở Nam Định và phở Hà Nội đều mới được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Dưới đây là những quán phở Nam Định nổi tiếng ở Hà Nội, được thực khách đánh giá rất cao, thể hiện qua cảnh đông đúc, tấp nập diễn ra mỗi ngày.

Phở Ông Đào
Suốt nhiều năm nay, quán phở Ông Đào gia truyền 3 đời trên phố Hàng Giấy (Hoàn Kiếm, Hà Nội) luôn nhộn nhịp khách ra vào mỗi buổi sáng. Chủ quán cho biết, quê gốc của gia đình anh là Giao Cù, Nam Trực, Nam Định, có nghề bán phở được tiếp nối qua nhiều đời.

Để nấu nước dùng, chủ quán sử dụng nguyên liệu chính là xương bò, nước mắm, quế, hồi và thảo quả. Sau đó, các nguyên liệu được gia giảm theo tỷ lệ và ninh trong hơn 10 tiếng. Quán nhập thịt bò tươi mỗi ngày. Theo chủ quán, nếu sử dụng hàng đông lạnh, khi nấu chín, thịt sẽ thâm và không có độ mềm.

Thực khách cũng đánh giá cao gia vị của quán. Phần tương ớt được đặt riêng từ TP.HCM, khi ăn không gây cảm giác quá nồng, phù hợp khẩu vị phần lớn khách hàng. Tỏi được sử dụng để ngâm giấm là tỏi ta, không to như các loại tỏi khác nhưng có mùi thơm đậm đà đặc trưng. Ngoài ra, các nguyên liệu như chanh, ớt hay giấm đều được chọn lọc khắt khe để đảm bảo sự toàn vẹn của hương vị bát phở.

Phở Ông Đào chuẩn vị Nam Định với thịt bò mềm và nhiều hành trần. Đây là một trong những quán phở Nam Định nổi tiếng ở Hà Nội. (Ảnh: Hạo Nhiên)

Phở Hương Hậu

Công thức nấu phở của quán Hương Hậu được truyền qua bốn đời, đến nay đã gần 40 năm. Toàn bộ xương, thịt bò đều được nhập ở cơ sở giết mổ uy tín, đảm bảo tươi, ngon. Nước dùng được ninh từ xương trong 24 tiếng để có vị ngọt tự nhiên.

Về phần thịt, có hai loại khách hay gọi nhất là gầu giòn sần sật và gầu mềm. Thực khách sành ăn thường gọi tái gầu giòn. Chủ quán tính toán thời gian luộc thịt rất cẩn thận để gầu vừa chín, giữ độ giòn, không bị nhũn, tránh bị nát khi thái. Miếng gầu của quán có đặc trưng là bản to, thái đều tay.

Quán phở Nam Định nổi tiếng ở Hà Nội này có rất nhiều khách quen, gắn bó lâu năm. Giờ cao điểm sáng, quán thường xuyên kín chỗ, nhất là dịp cuối tuần.

Địa chỉ: 120 Nguyễn Khuyến, Đống Đa.

Phở Hương Hậu là điểm đến ưa thích của khách thích thịt gầu. (Ảnh: Phở Hương Hậu)

Phở Cụ Tặng
Nước dùng phở bò quán Cụ Tặng được ninh nhừ từ xương ống, xương đuôi bò và xương lợn. Khác với những quán phở Nam Định khác, quán không dùng thảo quả, quế, hồi mà chỉ bỏ thêm gừng nướng và hành phi. Sau khi ninh đủ thời gian quy định, xương được vớt ra để tránh làm đục nước dùng.

Món được thực khách gọi nhiều nhất ở quán Cụ Tặng là phở bò áp chảo. Món này tương tự phở bò tái lăn Hà Nội: Chủ quán múc một muôi đầy thịt bò xào cho lên bánh phở đã được chần nóng đặt sẵn trong bát, thêm ít nước sốt xào thịt và chan thêm nước dùng là hoàn thành món ăn nổi tiếng của quán.

Đối với phở bò sốt vang, thịt được sử dụng chủ yếu là nạm bò lấy từ ức, vai, cổ bò. Sau khi ngâm nước muối, thịt được luộc chín rồi rửa lại bằng nước sạch, thái thành từng tảng để ướp gia vị. Thịt đã ướp được xào kỹ rồi mới cho vào ninh. Thịt bò mềm, ngọt mà không bị dai do nấu chín quá, cũng không bị bở như loại thịt được để quá lâu trước khi nấu, kém tươi. Xét tổng thể, lượng thịt bò trong một bát phở nhiều tương đương với bánh phở, phù hợp với giá tiền.

Địa chỉ: 57 Văn Cao, Ba Đình.

Phở Ngọc Vượng
Nhắc đến những quán phở Nam Định nổi tiếng ở Hà Nội, không thể bỏ qua Ngọc Vượng. Quán này đáp ứng được yêu cầu của những thực khách cần một không gian rộng rãi, lịch sự để thưởng thức ẩm thực chuyên nghiệp. Chủ quán sinh trong gia đình có ba đời bán phở có gốc làng Vân Cù, xã Đồng Sơn, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định.

Ở quán phở Ngọc Vượng, thịt bò luôn được treo lên, khi phục vụ khách mới bỏ xuống để thái. Theo chia sẻ của chủ quán, thịt bò để dưới khay thường dễ hấp hơi, bị ướt, từ đó hương vị sẽ bị ảnh hưởng. Thịt bò sống thái xong được đập tơi bằng sống dao, sau đó chan nước dùng nóng lên, nhờ vậy hương vị luôn tươi ngon, ngọt lịm.

Mỗi bát phở đều được cho một miếng gừng đập dập, giúp tăng độ ngon miệng cho khách hàng. Quán ninh nhiều xương, luộc nhiều thịt nên nước dùng màu ngả nâu và ngọt tự nhiên, chỉ cần cho thêm một chút đường, mỳ chính, muối và nước mắm. Nước mắm cũng được chọn lựa kỹ từ Nha Trang, Phú Quốc, Phan Thiết, sau đó linh hoạt kết hợp để tạo ra hương vị ngon nhất cho nước dùng.

nguồn ; //vtcnews.vn/nhung-quan-pho-nam-dinh-noi-tieng-o-ha-noi-luc-nao-cung-dong-khach-ar889071.html

Tin liên quan