Những người thợ nhọc nhằn mỗi ngày thổi 3.000 cốc bia hơi ở Nam Định
Chiếc cốc thủy tinh màu xanh, kiểu dáng đơn giản, không biết từ bao giờ đã trở thành vật dụng gắn liền với bia hơi Hà Nội. Ít ai biết rằng, đằng sau mỗi chiếc cốc thủ công ấy chứa đựng rất nhiều câu chuyện thú vị.
Kỳ 1: Cốc uống bia huyền thoại ở Hà Nội, khách Tây mê mẩn mua về nước
Chiếc cốc “xuyên” 2 thế kỷ
Từ lâu, bia hơi trở thành thức uống giải nhiệt quen thuộc của nhiều người mỗi khi vào hè. Không chỉ ở Hà Nội, những cốc bia bình dân ấy có sức hấp dẫn kỳ lạ, trở thành một trong những nét văn hóa đường phố đặc trưng ở khắp các tỉnh, thành, từ nông thôn đến thành thị.
Chiếc cốc có phần miệng rộng và đáy nhỏ, không có quai cầm, tiện cho việc xếp chồng lên nhau. Bên ngoài cốc có những đường vân nổi uốn thành sóng dọc tạo gờ để người dùng cầm nắm thoải mái, không trơn trượt. Ảnh: Thạch Thảo
Đến các quán bia hơi Hà Nội, dù sang trọng hay bình dân, đa số thực khách đều thích dùng một loại cốc duy nhất. Đó là chiếc cốc thủy tinh màu xanh nhạt, có lốm đốm bọt khí bên trong, miệng loe phía trên, không có quai nhưng cầm chắc nịch.
Cầm cốc bia hơi trên tay, ông Trần Minh Quang (SN 1949, quê Hà Tĩnh) xúc động: “Cầm vại bia này, những ký ức về thời bao cấp gian khó lại hiện về trong tôi. Có lẽ không chỉ tôi mà nhiều cán bộ tỉnh lẻ có dịp về Thủ đô công tác những năm 1979 – 1980, được uống ‘vại bia chuồng cọp’ sẽ không thể nào quên được kỉ niệm đẹp ấy”.
Chiếc cốc tuy nhỏ nhưng quen thuộc với nhiều thế hệ, trường tồn như một nét văn hóa đẹp của những người yêu bia.
“Chiếc cốc thủy tinh sần sùi, miệng cốc ‘lượn sóng’ mà giới trẻ chúng tôi thường gọi là ‘cốc cóc gặm’ ấy rất được lòng bố tôi. Ông mê mẩn thứ âm thanh leng keng vui tai phát ra mỗi lần cụng ly “trăm phần trăm” với bạn bè. Bọt bia bám trên thành cốc xen với bọt khí khiến người uống cảm thấy bia lúc nào cũng tươi ngon. Bạn bè tôi chỉ thích uống bia trong cốc này”, anh Tuấn Linh – chủ một đại lý bia hơi chia sẻ lý do dùng loại cốc thủy tinh này chục năm nay cho khách.
Ít ai nghĩ những chiếc cốc thủy tinh đơn sơ, không đều màu, chỗ lồi chỗ lõm ấy lại có sức sống lâu đời đến vậy. Đó là một nét văn hóa uống bia gắn liền với nhiều thế hệ, nhất là người 7X, 8X trở về trước.
Họa sĩ Lê Huy Văn, người được biết đến là “cha đẻ” của những chiếc cốc này cũng không ngờ chiếc cốc vại mà ông sáng tạo nên từ năm 1974 lại có sức sống bền bỉ đến thế.
Quy trình “thổi ra tiền” nhọc nhằn bên lò lửa
Nói đơn sơ là vậy nhưng để làm ra một chiếc cốc thủy tinh thủ công màu xanh ấy, người thợ phải trải qua nhiều công đoạn vất vả ngày đêm. Nơi cung cấp những chiếc cốc để uống bia hơi Hà Nội nằm ở tỉnh Nam Định.
Theo ông Phạm Văn Dương (56 tuổi), chủ một lò thổi thủy tinh tại Xối Trì (xã Nam Thanh, huyện Nam Trực, Nam Định), muốn thổi được thủy tinh, trước hết phải làm được nồi, đắp được lò nấu. Kỹ thuật đắp nồi rất quan trọng, đòi hỏi thợ có kỹ thuật cao, lành nghề. Chỉ cần sai sót nhỏ, nồi sẽ bị vỡ khi nung ở nhiệt độ cao, thiệt hại không chỉ tiền bạc mà cả thời gian.
Tùy theo kinh nghiệm, bí quyết, mỗi chủ lò sẽ tạo hình dáng chiếc nồi theo phong cách khác nhau. Thông thường nồi có hình tròn, cao hơn 1m, rộng khoảng 80cm, chứa được 5 tạ thủy tinh. Chiếc nồi “con vịt” cần có 2 miệng tròn dùng để tiếp nguyên liệu và lấy thủy tinh lỏng sau khi nấu chảy trong lò than.
“Trước đây, tôi từng thử mua nồi bán sẵn của Trung Quốc nhưng chi phí khá đắt, kích thước lại quá nhỏ, không phù hợp với mô hình làm thủ công hoàn toàn”, ông Dương kể.
Vì thế, ông đã tự nghiên cứu mày mò, tạo nên chiếc nồi nấu theo phong cách riêng của mình.
Để làm ra một chiếc nồi nấu, ông dành 10-15 ngày nặn tạo hình và cũng mất từng ấy thời gian để phơi khô trước khi đưa nồi vào lò nung. Chi phí cho mỗi chiếc nồi khoảng 10 triệu đồng, tương đương mua sẵn nhưng lại phù hợp hơn với cách sản xuất hộ gia đình.
Việc đầu tiên là chọn nguyên liệu. Thay vì thu mua vỏ chai lọ thủy tinh như trước kia, hiện nay các cơ sở sản xuất đã nhập những mảnh kính vỡ của các nhà máy sản xuất kính. Một người sẽ phụ trách việc nhặt mảnh (sàng lọc bụi bẩn, đập nhỏ mảnh kính) trước khi cho vào lò nung.
“Giá nhập kính phế phẩm có cao hơn so với những nguyên liệu tái chế kia nhưng chúng tôi lại tiết kiệm được nhân công”, ông Dương nói.
Tiếp theo, một người sẽ phụ trách phần cho thủy tinh vào nồi nấu. Khâu này đòi hỏi phải tiếp từ từ để không làm ảnh hưởng tới sức chứa của nồi, đến khi đủ 5 tạ thủy tinh thì thôi.
Khi thủy tinh đủ nhiệt và tan chảy hoàn toàn, những người thợ chính sẽ bắt tay vào ca làm việc mới. Một dây chuyền gồm 5 người thợ thổi, 1 người cắt miệng cốc, 1 người ủ tro để cốc nguội liên tục làm việc cho đến khi thủy tinh nóng chảy trong lò hết mới thôi.
Quá trình thổi thủy tinh đòi hỏi kỹ năng điêu luyện của người thợ. Mỗi người sẽ dùng chiếc ống kim loại dài khoảng 1,5m, lấy lượng vừa đủ thủy tinh nóng chảy từ trong lò ra, liên tục lăn khối thủy tinh đó trên bề mặt phẳng có bôi chút mỡ để tạo độ trơn, nhẵn, bóng và tạo khối trụ cho chiếc cốc.
Sau đó, người thợ dùng miệng thổi vào một đầu ống thổi khối thủy tinh đang nóng chảy để giãn nở theo ý muốn và nhanh chóng đưa khối thủy tinh vào khuôn. Chiếc cốc được định hình trong khuôn lập tức được chuyển sang máy thổi giảm nhiệt rồi mới đến khâu cắt miệng cốc.
Người thợ cắt mép ngồi bên cạnh chiếc bếp ga nóng rực để thực hiện công đoạn cắt mép, làm tròn miệng cốc một cách khéo léo, kĩ càng
Chiếc cốc nóng đỏ vừa ra lò được một người thợ khác mang đi ủ nguội bằng tro sạch. “Thợ của tôi sẽ vùi cốc vào tro rơm từ 12-15 tiếng để hạ nhiệt từ từ, tránh tình trạng nứt vỡ”, ông Dương nói.
Mỗi ngày hai ca ngày và đêm, những người thợ ấy làm việc liên tục trong môi trường nhiệt độ cao. Đôi tay ai cũng chai sạn sần sùi.
Sau 5 tiếng miệt mài của một ca làm việc, từ 5 tạ nguyên liệu, những người thợ đã tạo nên hơn 1.000 chiếc cốc thủy tinh. Mỗi chiếc cốc là một phiên bản độc đáo đặc trưng của nghề thổi cốc thủy tinh truyền thống.
Cuối cùng, khi dỡ cốc ra khỏi lò ủ tro, những chiếc cốc được lót rơm, đóng thùng chờ thương lái tới mang đi.
Theo các kênh phân phối khác nhau, chiếc cốc màu xanh xuất hiện ở hầu hết các hàng quán, đặc biệt là quán bia hơi Hà Nội.
Sản phẩm thủ công tuy không có độ tinh xảo, bóng bẩy trong suốt nhưng lại có nét độc đáo riêng, phụ thuộc vào tay nghề, hơi của người thợ thổi.
Không chỉ tạo độ hấp dẫn cho khách uống bia hơi, những chiếc cốc thủy tinh làng Xối Trì còn trở thành vật lưu niệm với người yêu nghề thủ công trong và ngoài nước.
Sản phẩm cốc uống bia hơi với đặc trưng riêng là có những bọt li ti ở thành cốc. “Tôi trò chuyện với chủ cơ sở, họ bảo chỉ cần dừng một ngày là Hà Nội xôn xao vì đây là cốc uống bia hơi đặc trưng của Hà Nội. Từ câu chuyện này, chúng ta có thể hiểu tầm quan trọng của một sản phẩm thế mạnh và phát huy sáng tạo của người dân địa phương”, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam chia sẻ.
Kỳ tới: Con trai ‘tổ nghề’ thổi thủy tinh xúc động kể về thời hoàng kim
LTS: Từ lâu, bia hơi vỉa hè đã trở thành nét văn hóa không chỉ của người Hà Nội mà ở khắp các tỉnh thành trên cả nước. Điều người ta thấy thân thương không chỉ ở bia hơi mà còn ở chiếc cốc thủy tinh sần sùi màu xanh đựng bia đi cùng năm tháng. Theo thời gian, nhiều loại cốc vại ra đời nhưng vẫn không thể nào thay thế được chiếc cốc thủy tinh thủ công ấy.
Tuyến bài Phía sau chiếc cốc bia hơi huyền thoại giới thiệu tới độc giả một sản phẩm thủ công truyền thống cũng như chuyện đời, chuyện nghề của những người làm nên chiếc cốc uống bia được yêu thích qua 2 thế kỷ này.
Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nhung-nguoi-tho-cuoi-cung-nhoc-nhan-thoi-3-000-coc-bia-hoi-nam-dinh-2199066.html
-
Con trai sát hại mẹ, tạo hiện trường giả ở Nam Định
-
Khởi công Dự án sản xuất găng tay bảo hộ an toàn có tổng vốn đầu tư gần 84,5 triệu USD tại Khu công nghiệp Bảo Minh
GÓC NAM ĐỊNH
-
Khởi công Dự án sản xuất găng tay bảo hộ an toàn có tổng vốn đầu tư gần 84,5 triệu USD tại Khu công nghiệp Bảo Minh
-
“Thần đèn” di dời ngôi nhà 2 tầng xoay 180 độ ở Nam Định
-
Bắt ba cựu chủ tịch xã ở Nam Định có hành vi lợi dụng chức vụ
-
Teen Trường cấp III Nông nghiệp Nam Định học làm nông theo kiểu Nhật