Những doanh nghiệp mua bán hóa đơn trái phép với nhóm anh em ‘đại gia’ lan đột biến
6 công ty thuộc nhóm Công ty Đông Bắc Hải Dương đã mua bán hóa đơn trái phép với 11 công ty tại Hải Phòng và Nam Định. Ngoài ra, nhóm này còn chi tiền thuế, tiền mua hóa đơn cho 28 Công ty khác.
HĐXX sơ thẩm TAND tỉnh Thái Nguyên đang mở phiên tòa xét xử 33 bị cáo trong vụ khai thác trái phép hơn 3,1 tấn than tại mỏ than Minh Tiến (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên). Các bị cáo bị truy tố về các tội “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên”, “Mua bán, sử dụng trái phép vật liệu nổ”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “In, phát hành và mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước”.
Vụ án trên xảy ra tại Công ty Cổ phần Yên Phước, Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Thái Nguyên, Sở Công thương tỉnh Thái Nguyên và các đơn vị liên quan.
Để hợp thức hồ sơ cho việc mua bán than nhập lậu và than khai thác trái phép, anh em Bùi Hữu Thanh, Bùi Hữu Giang cùng 3 cổ đông Công ty Đông Bắc Hải Dương là Hà Anh Tuấn, Ngô Đăng Hải, Phạm Văn Thu đã thống nhất thành lập 6 công ty, gồm: Công ty TNHH Khoáng sản Toàn Phát, Công ty TNHH Thương mại Khoáng sản Toàn Thắng, Công ty TNHH Khoảng sản Thắng Lợi, Công ty TNHH Thương mại Thịnh Vượng TH, Công ty TNHH Đông Bắc Thái Nguyên, Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương và thuê người đứng tên đại diện theo pháp luật rồi sử dụng 6 pháp nhân này ký hợp đồng mua hóa đơn đầu vào để hợp thức nguồn gốc than và ký hợp đồng bán than đầu ra với các khách hàng; nguồn tiền để trả cho việc mua hóa đơn chủ yếu lấy từ nguồn bán than cho khách.
Cơ quan tố tụng xác định, từ năm 2017 đến 2020, để hợp thức các loại hàng hóa, dịch vụ, các cổ đông Công ty Đông Bắc Hải Dương đã sử dụng nhóm 6 Công ty Đông Bắc Hải Dương nêu trên để ký hợp đồng mua bán than, mua hóa đơn mặt hàng than nhập khẩu, dầu diezel, dịch vụ bốc xúc, vận chuyển với 11 Công ty tại Hải Phòng và Nam Định.
Cụ thể, nhóm 5 Công ty tại Hải Phòng do Lã Xuân Hữu điều hành, đã ký 9 hợp đồng và 4 phụ lục hợp đồng, xuất bán 315 hóa đơn có nội dung xuất bán mặt hàng than các loại, dầu diezel, dịch vụ bốc xúc với tổng giá trị gồm thuế Giá trị gia tăng là hơn 1.097 tỷ đồng, gồm: Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Dịch vụ Hữu Phúc, do Lã Xuân Hữu đứng tên Giám đốc, từ 2/2019, do ông Đoàn Văn Phong đứng tên Giám đốc, đã xuất bán 54 hóa đơn; Công ty TNHH Vương Hiển Phát do bà Hoàng Thị Thu Hiền đứng tên Giám đốc, đã xuất bán 60 hóa đơn;
Công ty TNHH Đầu tư Thương mại và Dịch vụ Khang Tuấn do bà Nguyễn Thị Hương Giang đứng tên Giám đốc, xuất bán 100 hóa đơn; Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Phúc Trường Thọ do ông Chu Quốc Nam đứng tên Giám đốc, đã xuất bán 76 hóa đơn; Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Dịch vụ Phúc Xuân do Lã Xuân Hữu đứng tên Giám đốc, từ 1/2019, do bà Nguyễn Thị Phương Nhung đứng tên Giám đốc, đã xuất bán 25 hóa đơn
Nhóm 6 công ty tại Nam Định do Trần Ngọc Hán điều hành, đã ký 7 hợp đồng, xuất bán 80 hóa đơn mặt hàng than các loại với tổng giá trị gồm thuế Giá trị gia tăng là hơn 531,5 tỷ đồng, gồm: Công ty TNHH Thương mại và Khoáng sản Gia Phát do Đoàn Văn Quý đứng tên Giám đốc, đã xuất bán 3 hóa đơn; Công ty TNHH Thương mại và Khoáng sản Gia Bảo do Đỗ Ngọc Tuyến đứng tên Giám đốc, đã xuất bán 33 hóa đơn;
Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại Khoáng sản Đức Minh do Trần Xuân Cự đứng tên Giám đốc, đã xuất bán 26 hóa đơn; Công ty TNHH Thương mại Khoáng sản Thống Nhất do Trần Ngọc Hán đứng tên Giám đốc, đã xuất bán 4 hóa đơn; Công ty TNHH Thương mại Khoáng sản Nhật Minh do Nguyễn Văn Bình đứng tên Giám đốc, đã xuất bán 5 hóa đơn; Công ty TNHH Thương mại Khoáng sản Hòa Bình do Trần Đức Học đứng tên Giám đốc, đã xuất bán 9 hóa đơn.
Ngoài ra, căn cứ hồ sơ, tài liệu, sổ quỹ tại Công ty Đông Bắc Hải Dương thể hiện việc nhóm Công ty Đông Bắc Hải Dương chi tiền thuế, tiền mua hóa đơn cho 28 Công ty khác.
Cụ thể, 2 Công ty không phát sinh hợp đồng mua bán, thanh toán tiền than, không xuất hóa đơn GTGT cho nhóm Công ty Đông Bắc Hải Dương là Công ty Hùng Kim và Công ty Đông Bắc 168;
26 Công ty đầu vào có kinh doanh than với hồ sơ nguồn gốc than nhập từ Tập đoàn than khoáng sản Việt Nam (TKV), Công ty Đông Bắc Hải Dương một phần mua than, một phần mua hóa đơn trái phép của các công ty này, gồm: Công ty Thành Vinh (9 hóa đơn), Công ty Minh Ngọc (7 hóa đơn), Công ty ANLAN (7 hóa đơn), Công ty Đông Bắc Hải Phòng (6 hóa đơn), Hợp tác xã Huy Hoàng (4 hóa đơn);
Công ty Khang Thịnh (3 hóa đơn), Công ty Minh Quân (3 hóa đơn), Chi nhánh Công ty than Đông Bắc tại Hải Phòng (3 hóa đơn), Công ty Tân Tiến (2 hóa đơn), Công ty Sao Việt (2 hóa đơn), Công ty Đông Sơn (2 hóa đơn), Công ty Trường Thành Biên Phòng (1 hóa đơn), Công ty than Hải Phòng (1 hóa đơn), Công ty Dương Kỳ Anh (1 hóa đơn), Công ty Bảo Nam (01 hóa đơn);
Công ty Hùng Phát (34 hóa đơn), Công ty Xuân Huy (32 hóa đơn), Công ty Huyền Trang (21 hóa đơn), Công ty Xuân Toan (20 hóa đơn), Công ty Trường Toàn (15 hóa đơn), Công ty Trường Hồng (14 hóa đơn), Công ty Nhật Minh (12 hóa đơn), Công ty Công ty HQT (12 hóa đơn), Công ty Đức Anh (12 hóa đơn), Công ty Phương Khiêm (11 hóa đơn), Xí nghiệp Cầu Đuống (11 hóa đơn).
Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/phap-dinh/ky-an/nhung-doanh-nghiep-mua-ban-hoa-don-trai-phep-voi-nhom-anh-em-dai-gia-lan-dot-bien-147067.html