Những điều thú vị về làng nghề điêu khắc gỗ La Xuyên
Ở Nam Định, nghề chạm khắc gỗ đã có từ lâu đời và vẫn được gìn giữ bởi những bàn tay tài hoa của các thế hệ nghệ nhân làng nghề. Trong số đó làng La Xuyên, xã Yên Ninh, huyện Ý Yên, Nam Định hiện vẫn còn một số nghệ nhân chạm khắc gỗ theo phương pháp thủ công và nổi tiếng nhất.
Video: những điều thú vị về làng nghề điêu khắc gỗ La Xuyên
Chiều ngày 8/10, phóng viên Gia đình và Xã hội có mặt tại làng La Xuyên thuộc xã Yên Ninh, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định nơi đây là một làng nghề truyền thống chạm khắc gỗ từ lâu đời nay.
Trên đường dẫn vào làng nghề La Xuyên tiếng lách cách đục đẽo, bào gọt gỗ, tiếng máy cắt, máy bào tạo nên tiếng động cua một làng nghề chạm khắc gỗ.
Người dân nơi đây chia sẻ, làng nghề La Xuyên ra đời đến nay đã hơn một nghìn năm tuổi. Ông tổ làng nghề đã được nhà vua Đinh Tiên Hoàng tuyển chọn cùng một số thợ trong vùng xây dựng cố đô Hoa Lư. Đến năm 1534 vua Lê cũng đã tuyển một số thợ giỏi về kinh đô Thăng Long để mở rộng nghề mộc và phát triển ra nhiều vùng trong cả nước.
Từ đó đến nay, nghề gỗ mỹ nghệ ở La Xuyên ngày một phát triển không ngừng và đã đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế của địa phương cũng như của đất nước, tạo công ăn việc làm cho hàng triệu người dân trong vùng, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn.
Trao đổi với phóng viên, ông Đinh Văn Tiến – chủ một của hàng gỗ ở làng nghề La Xuyên chia sẻ, để hoàn thiện một sản phẩm là bàn ghế mất khá nhiều thời gian. Gia đình làm nghề chạm khắc gỗ đã lâu đời, ông là đời thứ 4 theo dạng cha truyền con nối.
“Thường một bộ bàn, ghế để hoàn thiện bán ra thì trường với khoảng 200 – 400 triệu đồng. Có bộ giá cả tỷ đồng tùy theo nhu cầu khách đặt và chất liệu gỗ. Quá trình làm tranh điêu khắc gỗ thường trải qua các bước: Chọn gỗ, nghiên cứu mẫu, tạo dáng, đục vỡ, đục hạ, đục chi tiết, gọt, nạo, đánh giấy ráp,… gỗ để làm là các loại gỗ gụ, gỗ hương,… bởi có độ bền cao lại không quá giòn nên dễ chạm khắc. Khi đi mua gỗ, người thợ thường đem theo đục hoặc bào để xem màu gỗ, nếu gỗ đậm màu là loại tốt” – ông Tiến chia sẻ.
Vị gia chủ này cho biết thêm, các sản phẩm gỗ phải ít cong vênh, không dập ruột, dẻo mịn, dễ đánh bóng. Dụng cụ để các nghệ nhân điêu khắc là các loại đục. Thân đục làm bằng thép chuẩn, bởi nếu nước thép già thì đục dễ gãy, nếu quá non đục lại cùn. Mỗi người thợ có khoảng 3-4 loại đục như: đục bằng, đục lòng máng, đục tách. Người làm tranh điêu khắc căn cứ vào chiều ngang của lưỡi đục để điều khiển cổ tay đục chính xác từng chi tiết.
Không chỉ có những bàn tay nam giới, ở làng La Xuyên người phụ nữ điêu khắc gỗ cũng không kém cạnh. Từ đầu làng đến cuối nhà nào cũng có bàn tay nữ giới trong các tác phẩm điêu khắc từ gỗ.
Các nghệ nhân làng nghề ở La Xuyên đã phát huy nét tài hoa, độc đáo của cha ông, tạo ra những sản phẩm điêu khắc tranh gỗ độc đáo có giá trị nghệ thuật.
Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/nhung-dieu-thu-vi-ve-lang-nghe-dieu-khac-go-la-xuyen-172231009164924857.htm