Người sáng lập chuỗi phở Xưa Nam Định: Sáp nhập với Hà Nam, Ninh Bình, phở Nam Định sẽ “mọc thêm cánh”

Nghệ nhân Lê Thị Thiết bày tỏ niềm tự hào khi phở bò Nam Định đã được vinh danh là “Tri thức dân gian Phở Nam Định” – Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2024. Đặc biệt, khi Nam Định hợp nhất với Ninh Bình, Hà Nam để thành lập tỉnh Ninh Bình mới, chị tin rằng phở Nam Định sẽ ngày càng nổi tiếng, thậm chí “mọc thêm cánh” phát triển mạnh mẽ hơn.

Trong không gian tấp nập, nhộn nhịp của Festival Phở 2025 diễn ra tại Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) cuối tuần qua, chúng tôi đặc biệt ấn tượng khi gặp một người phụ nữ đang tất bật sắp xếp gian hàng, chan nước dùng nóng hổi vào bát phở để kịp phục vụ thực khách.

Lát sau, tôi lại thấy chị nổi bật trong tà áo dài dự tọa đàm “Phở Việt Nam – Tinh hoa ẩm thực và bản sắc văn hóa trên con đường trình UNESCO”, với những phát biểu tâm huyết về việc xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận phở Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Chị là Lê Thị Thiết, Chủ tịch Hiệp hội văn hóa ẩm thực Nam Định và là người sáng lập chuỗi phở Xưa Nam Định.

Trò chuyện với PV Dân Việt, chị Lê Thị Thiết cho biết, Festival Phở năm nay được tổ chức trong bối cảnh đặc biệt, đó là phở Việt Nam trong dòng chảy kỷ nguyên số, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Theo đó, Festival Phở 2025 đã có nhiều đổi mới trong khâu thanh toán, sử dụng công nghệ AI để giới thiệu các nét đẹp truyền thống, độc đáo của phở 3 miền.

Cùng với sự lan tỏa mạnh mẽ của báo chí truyền thông nên đã thu hút rất đông du khách trong và ngoài nước đến tham quan, thưởng thức.

Chị Lê Thị Thiết, Chủ tịch Hiệp hội văn hóa ẩm thực Nam Định, đồng thời là người sáng lập chuỗi phở Xưa Nam Định chia sẻ những tâm huyết trong việc gìn giữ, quảng bá nét đẹp của phở Việt Nam. Ảnh: Minh Huệ
Lễ hội năm nay quy tụ rất nhiều thương hiệu phở gia truyền, nổi tiếng như phở Thìn, phở Tư Lùn, phở gà tiến vua, phở cuốn Ngũ Xã, phở Vân Cù Nam Định…

Các gian hàng khắp 3 miền đã quy tụ về đây, cùng nhau quảng bá giá trị văn hóa ẩm thực của phở Việt, đồng thời giới thiệu những sáng tạo mới như phở atiso, phở gấc, phở ngô, phở sườn nhừ..

Phở là món ăn được chế biến cầu kỳ, trong đó nước dùng phải ninh kỹ nhiều giờ đồng hồ. Đặc biệt phở Nam Định được xác định là cái nôi của nghề phở Việt Nam. Ảnh: T.L

Trong đó, phở Nam Định bao năm nay vẫn chung thủy với bí quyết gia truyền để tạo nên hương vị đậm đà riêng biệt, đó là nước dùng ăn phở phải có 7 loại thảo mộc đặc trưng cùng với nước mắm.

“Công thức mang đậm nét văn hóa của phở Nam Định đó là “3 không”: Không mì chính, không chanh, không rau giá; và “3 có”: Có Nước mắm, có dấm tỏi và có tương ớt. Đây không chỉ là công thức nấu ăn, mà còn là câu chuyện văn hóa được truyền từ đời này sang đời khác”, chị Thiết chia sẻ.

Theo nghệ nhân Lê Thị Thiết, hiện nay phở Việt đã có nhiều biến thể đa dạng nhằm đáp ứng thị hiếu, nhu cầu thưởng thức ngày càng cao của thực khách, song vẫn có 2 nét đặc trưng không thể thiếu, đó là bánh phở làm từ bột gạo và nước mắm.

“Khi giới thiệu với du khách nước ngoài, bạn bè quốc tế về ẩm thực Việt Nam, chúng tôi vô cùng tự hào khi nói về nước mắm, đó là nét đặc trưng, riêng biệt, tập tục của người Việt. Từ khi là em bé ăn dặm, chúng ta đã đưa nước mắm nấu cùng bột, cháo để bổ sung chất đạm cho em bé.

Chị Lê Thị Thiết say sưa giới thiệu nét đặc trưng của phở bò Nam Định với lãnh đạo TP.Hà Nội và các đại biểu, khách tham quan.

Trong mâm cơm gia đình hay các bàn tiệc to nhỏ, đều không thể thiếu bát nước mắm. Với những người nấu phở, chúng tôi đặc biệt coi trọng nước mắm trong việc tạo hương vị đậm đà, đặc trưng cho phở.

Theo đó, mỗi nghệ nhân sẽ có cách lựa chọn, sử dụng nước mắm riêng, nêm nếm một lượng phù hợp cùng với các gia vị khác như quế, hồi, thảo quả… để tạo nên một nồi nước dùng tròn vị” – chị Thiết chia sẻ với Dân Việt.

Cùng với nước mắm, chị Thiết cho biết phở Xưa Nam Định còn không thể thiếu một loại gia vị khác là muối phơi trên cát của tỉnh Nam Định, Thái Bình. Loại muối này chứa nhiều vi chất dinh dưỡng tốt cho cơ thể, có vị nấu ngọt hậu ấn tượng.

Hiện nay chị Lê Thị Thiết không chỉ sở hữu chuỗi cửa hàng phở ở Nam Định và Hà Nội mà còn nỗ lực đưa đặc sản phở ra nước ngoài.

“Khi ra nước ngoài, chúng tôi luôn tự hào là người Việt Nam có phở. Những người làm phở, gìn giữ món phở Việt Nam hiện nay, nhất là các nghệ nhân, đầu bếp luôn nhận được sự ủng hộ của các nhà lãnh đạo, nhà nghiên cứu văn hoá và cơ quan truyền thông. Phở Việt càng nổi tiếng thì chúng tôi càng có niềm tin và động lực để chỉn chu hơn nữa trong từng khâu chế biến”.

Chị Lê Thị Thiết là người có nhiều nỗ lực trong việc quảng bá, giới thiệu văn hóa ẩm thực của Nam Định nói riêng và phở Việt Nam nói chung tới du khách trong và ngoài nước. Ảnh: T.L

Để lan tỏa hương vị phở Nam Định nói riêng và phở Việt Nam nói chung, chị Lê Thị Thiết và các nghệ nhân phở Nam Định đã sáng tạo ra các gói nước cốt phở, vừa dễ dàng vận chuyển đi xa, vừa giữ được vị phở truyền thống.

Đến nay, thương hiệu Phở Xưa Nam Định đã được xuất khẩu đi Campuchia, Lào, Myanmar dưới dạng đóng gói.

Trước chủ trương sáp nhập các tỉnh, thành phố, tỉnh Nam Định cùng với Ninh Bình, Hà Nam sẽ hợp nhất thành tỉnh mới là Ninh Bình, chị Lê Thị Thiết cho biết chị và nhiều nghệ nhân không hề lo sợ “phở Nam Định” sẽ mất tên.

“Bởi phở là của mỗi người dân Việt Nam. Khi ra nước ngoài, chúng tôi vô cùng tự hào giới thiệu về phở Việt Nam, cũng giống như mỳ Ý, hay kim chi của Hàn Quốc. Người Ý hay người Hàn đi đâu cũng tự hào giới thiệu về đặc sản của nước họ chứ không phân biệt mỳ đó, kim chi đó của vùng nào”, chị Thiết chia sẻ.

Ở trong nước, người Nam Định có phở, người Sài Gòn, Hà Nội hay ở các tỉnh Tây Bắc, miền Trung đều có phở. “Khi Nam Định sáp nhập với Hà Nam và Ninh Bình, tôi tin rằng đó là một thế mạnh, tạo động lực cho món phở đặc sản tiếp tục phát triển hơn nữa” – chị Thiết khẳng định.

“Trước kia chúng tôi chỉ dám nói rằng phở Nam Định ở Nam Định thôi, còn bây giờ Hà Nam – Nam Định – Ninh Bình hợp nhất làm một tỉnh rộng lớn và đều là những nơi có bề dày về văn hóa, ẩm thực với các di tích lịch sử và di sản nổi tiếng, theo dòng chảy đó, phở Nam Định sẽ được chắp thêm cánh.

Trong du lịch không thể thiếu ẩm thực. Ví dụ trước đây chỉ có cộng đồng và chính quyền Nam Định quan tâm tới việc bảo tồn, phát triển món phở truyền thống, thì bây giờ sẽ có thêm nguồn lực và sự quan tâm của người dân 3 tỉnh gộp lại, cùng nhau xây dựng ngành công nghiệp chế biến ẩm thực. Bởi họ có chung một dòng chảy văn hóa, một tình yêu với ẩm thực quê hương” – chị Thiết nói.

nguoofn : //danviet.vn/nguoi-sang-lap-chuoi-pho-xua-nam-dinh-sap-nhap-voi-ha-nam-ninh-binh-pho-nam-dinh-se-moc-them-canh-d1326205.html

Tin liên quan