Ngành nông nghiệp Nam Định thiệt hại hơn 560 tỷ đồng do bão lũ
Cơn bão số 3 (YAGI) đi qua đã làm ảnh hưởng nặng nề cho ngành nông nghiệp tỉnh Nam Định, tính đến ngày 13.9, tổng giá trị thiệt hại do bão số 3, mưa lũ gây ra trên địa bàn tỉnh khoảng hơn 560 tỷ đồng.
Theo UBND tỉnh Nam Định, nặng nhất là về nông nghiệp với 18.102ha lúa bị ảnh hưởng, ước giá trị thiệt hại là 381,5 tỷ đồng; 3.800ha rau màu bị thiệt hại ước giá trị là 105,75 tỷ đồng; 2.145 cây hoa, cây cảnh các loại thiệt hại ước giá trị 1 tỷ 136,5 triệu đồng; 36,5ha cây trồng lâu năm thiệt hại ước giá trị khoảng 323,5 triệu đồng; 155,5ha cây trồng hàng năm thiệt hại ước giá trị là 390 triệu đồng và nhiều diện tích mất trắng không thể phục hồi.
Chăn nuôi trên địa bàn tỉnh có khoảng 833 gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi, ước giá trị thiệt hại (bao gồm cả chuồng trại và các thiệt hại khác) là 552,0 triệu đồng. Cùng đó, 699,5ha nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng, tổng thiệt hại ước tính gần 32 tỷ 298 triệu đồng.
Nhằm khôi phục sản xuất sau khi bão tan, lũ rút, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Nam Định, từ ngày 13.9 đến nay, các trạm bơm tập trung hoạt động bơm tiêu nước chống úng.
Hiện nay, mực nước trên các sông: Hồng, Đào, Đáy, Ninh Cơ đã rút nhưng vẫn đang ở mức cao, gây khó khăn cho công tác tiêu úng, cứu lúa màu. Mực nước ngập trong ruộng lúa tiêu rút được từ 25-30cm.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các địa phương tiếp tục huy động mọi lực lượng, phương tiện máy móc bơm tiêu úng cứu lúa, hạn chế tối đa tình trạng ngập úng. UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các phòng chuyên môn và các xã, thị trấn tổ chức đánh giá, thống kê thiệt hại sản xuất lúa mùa và cây màu hè thu theo quy định để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.
Dự báo thời gian tới, thời tiết vẫn diễn biến khó lường, mưa ẩm là điều kiện thuận lợi để các loại sâu bệnh, dịch hại phát sinh gây hại lúa, hoa màu. Vì vậy, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Nam Định đề nghị UBND các huyện, thành phố tăng cường chỉ đạo các xã, phường, thị trấn tăng cường phân công cán bộ bám sát đồng ruộng, phát hiện và khuyến cáo nông dân biện pháp phòng, trừ hiệu quả. Hiện, giá bán các loại giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đang tăng. Do đó, các địa phương cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước, kiểm soát thị trường, hạn chế, ngăn chặn tình trạng tăng giá bất hợp lý, tạo sự khan hiếm giả và trà trộn kinh doanh hàng hóa kém chất lượng, ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng, thu nhập của nông dân.
nguồn : https://daibieunhandan.vn/nganh-nong-nghiep-nam-dinh-thiet-hai-hon-560-ty-dong-do-bao-lu-post391165.html