Ngắm cây cầu ngói cổ dáng rồng bay hơn 300 tuổi ở Nam Định
Cầu ngói chợ Thượng (hay còn gọi là cầu ngói Thượng Nông, xã Bình Minh, huyện Nam Trực) là một trong năm cây cầu ngói cổ, nổi tiếng tại Việt Nam. Tháng 6.2012, cây cầu này được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia.
Cầu ngói chợ Thượng được xây dựng từ thời Hậu Lê, với sự đóng góp công đức của bà chúa Nguyễn Thị Ngọc Xuân, cung phi của chúa Trịnh cũng là người con gái làng Thượng Nông. Năm 2012, cầu được xếp hạng Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia.
Cây cầu được xây dựng theo lối kiến trúc “Thượng gia hạ kiều” trên là nhà; dưới là cầu; dài 17,35m.
Theo tư liệu cổ, mố cầu được xây dựng hoàn toàn bằng đá tảng nằm chắc chắn hai bên bờ sông Ngọc. Các tảng đá to nhỏ khác nhau, được xếp khéo léo theo thứ tự lớn ở dưới, nhỏ ở trên.
Nhìn tổng thể bên ngoài, có thể nhận thấy, mố cầu được làm rất chắc chắn, bằng những tảng đá nguyên khối xây ghép với nhau. Mố cầu được xây vuốt lên theo hình thang cân. Hai mố cách nhau khoảng gần 5m, ở giữa tạo khoảng trống cho dòng nước lưu thông và thuyền bè qua lại.
Mặt cầu rộng khoảng 2m, lát đá tảng xanh xen kẽ nhau; mặt đá bóng loáng, nhưng không trơn trượt. Hai bên hành lang cũng lát đá tảng, tạo phần gờ cao hơn phần mặt cầu khoảng 15cm.
Nhìn thoáng, mái cầu tựa như con rồng đang uốn lượn bay lên bầu trời; những viên ngói nam tựa như vảy con rồng, đang đổi màu theo thời gian.
Ông Nguyễn Quang Vinh (67 tuổi, xã Bình Minh, huyện Nam Trực) cho biết: “Cây cầu là cả kỷ niệm tuổi thơ của thế hệ chúng tôi. Ngày xưa, cả làng tôi có một cây cầu duy nhất là cầu ngói chợ Thượng này nên là nơi lưu thông của đông đảo người dân trong vùng. Còn bây giờ cứ mỗi buổi trưa, buổi tối, người dân chúng tôi lại ra đây ngồi trò chuyện, tránh nắng”.