Nam Định Về Xuân Hy vui hội làng truyền thống
Hàng năm, khi tiết thu dịu nhẹ tràn xuống thay thế cho những ngày hè oi nồng, nhân dân làng Xuân Hy (xã Xuân Thủy, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định) lại náo nức chuẩn bị mở hội truyền thống. Đây là dịp để dân làng tri ân đức thánh tổ có công với đất nước, cầu cho mưa thuận gió hòa, ấm no, hạnh phúc, ngày hội đại đoàn kết mang đậm bản sắc văn hóa của địa phương.
Nhắc nhở con, cháu nhớ về cội nguồn tổ tiên
Làng Xuân Hy xã Xuân Thủy, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định vừa khai mạc lễ hội truyền thống các nghi lễ truyền thống cùng những trò chơi dân gian được tái hiện trong phần hội mừng ngày thành lập ấp Nhật Thi (Xuân Hy) và tưởng nhớ đến công ơn của Thánh tổ Ngô Tướng Công (Ngô Miễn), người đã có công lập Tân ấp. Với bề dày lịch sử và văn hóa nơi đây còn giữ được những nét cơ bản của một làng quê Việt Nam vùng đồng bằng châu thổ Sông Hồng với cây đa, bến nước, sân đình đó là các thiết chế văn hóa của làng như đình, đền, chùa, miếu.
Các cụ cao niên trong làng cho biết, làng Xuân Hy được hình thành từ những năm 1393 đến 1397 (cuối đời nhà Trần), do Đức Thánh Tổ – Tướng công Ngô Miễn (1371-1407) (đỗ tiến sỹ thời nhà Trần, làm quan thời nhà Hồ) sau khi đi kinh lý vùng đất Sơn Nam được nhà Vua cho phép đã đưa 10 dòng họ từ thôn Xuân Mai, xã Xuân Hy, tổng Kim Hoa, phủ Bắc Hà, xứ Kinh Bắc (nay là phường Phúc Thắng, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) xuống khai hóa vùng đất ven biển lập ấp Nhà Thi (sau đổi thành làng Thi, Nhật Thi, Nhật Hy…) nay là Làng Xuân Hy.
Đền Xuân Hy thờ Đức Thánh Tổ Tướng công Ngô Miễn (1371-1407), Phúc thần Trần Quận Công, Đỗ Quận Công (1664-1729), các phu nhân là những người có công với nước, tạo lập, gây dựng làng Xuân Hy. Đền Xuân Hy đã được Nhà nước xếp hạng là di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia ngày 17/02/1990. Đền được xây dựng với kiến trúc theo phong cách Phương Đông, gồm 5 gian tiền đường, 3 gian trung đường, 1 lâu hậu cung.
Về làng Xuân Hy vào ngày chính hội dù không tưng bừng, dồn dập và đậm đặc như lễ hội mùa xuân, nhưng lễ hội truyền thống mùa thu ở Xuân Hy thật sự lắng đọng với một vẻ đẹp riêng. Đó là vẻ đẹp của tiết thu lãng đãng, bằng lặng bỗng trở nên náo nhiệt khi bước vào ngày hội, mang đến cho nhân dân và du khách cơ hội trải nghiệm, tìm hiểu sâu hơn về những phong tục, nghi lễ cổ truyền…
Năm này Lễ hội làng Xuân Hy được tổ chức trọng thể vào ngày19 – 21/8 âm lịch, ngoài những nghi thức lễ tiết mang tính tôn giáo, lễ hội còn là nơi hội tụ của những sinh hoạt văn hóa tinh thần của cư dân nông nghiệp. Chính vì vậy, vào ngày hội, nhân dân trong vùng, người con quê hương từ trong Nam ngoài Bắc, du khách thập phương đều nô nức kéo nhau về tụ hội.
Bảo lưu, truyền giữ nét đẹp quê hương
Hương ước làng Xuân Hy có câu: “Cây có gốc mới nở cành xanh ngọn/Nước có nguồn mới bể rộng sông sâu/Người ta có gốc từ đâu/ Có tổ tiên trước rồi sau có mình”, như một lời nhắc nhở con, cháu nhớ về cội nguồn tổ tiên.
Theo truyền thống, Lễ hội truyền thống làng Xuân Hy gồm 3 phần:
Phần lễ: Tế, Lễ, dâng hương tại Đền, Chùa; rước kiệu, rước mót.
Phần hội: Thi đấu bơi chải đồng đội nam, nữ; Thi kéo tre lấy lửa, nấu cơm cần; Thi đấu cờ tướng; Các trò chơi dân gian, hiện đại; Thi đấu các môn thể thao, bóng chuyền, cầu lông… các tiết mục trong lễ hội làng Xuân Hy đều có những ý nghĩa riêng, mang đậm những nét truyền thống văn hóa lâu đời của làng như: Tiết mục thổi cơm thi – kéo tre lấy lửa thể hiện sự tài tình mưu trí của Ngô tướng công năm xưa khi đánh giặc không có lửa đã dùng hai thanh tre cọ vào nhau để lấy lửa sử dụng. Tiết mục nấu cơm gợi nhớ cho người xem hình tượng về một nền văn minh lúa nước phát triển rực rỡ. Trong khi đó tiết mục bơi chải, ghi nhớ lại không khí sinh hoạt cuộc sống của cha ông trước đây 630 năm đi lại chủ yếu bằng thuyền mùng, lênh đênh sông nước và tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ của làng.
Bơi chải hội làng Xuân Hy luôn có sự tham gia của 5 đội ở cả 5 xóm là Đại Nghĩa, Hưng Đạo, Thọ Xuân, Đoàn Kết, Nam Biên. Mỗi xóm có 1 đội chải nam và 1 đội chải nữ, trong đó mỗi đội bơi chải gồm 15 người, 12 tay chải, 1 lái trưởng, 1 tay mõ và 1 người tát nước. Các VĐV tham gia thi đấu được lựa chọn kỹ lưỡng, các tay chèo đều là thanh niên khỏe mạnh, có sức bền, nhanh nhẹn, nhiệt tình. Vị trí lái trưởng là người có kinh nghiệm sông nước, có kỹ thuật lái để đưa chải đi đúng làn, nhanh, không bị mất sức của đồng đội. Người tát nước, gõ mõ biết phối hợp nhịp nhàng với đồng đội. Mỗi năm vào cuộc thi bơi chải, mỗi xóm chọn ra 30 VĐV thi đấu chính và 10 VĐV dự bị. Sáng 15-8 âm lịch, các xóm tổ chức hạ chải trên sông Mã cạnh di tích Đền Xuân Hy để các VĐV tập luyện.
Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Văn Hùng- Trưởng Ban bảo vệ Di tích Đền Xuân Hy cho biết: Giải bơi chải của làng được tổ chức trong 2 ngày; ngày 20-8 âm lịch tổ chức thi giải lèo (giải phụ), ngày 21-8 âm lịch chính hội tổ chức thi giải cốn (giải chính). Cả 2 giải, đều phân định thắng thua, xếp thứ hạng, riêng giải cốn có trao cờ cho các đội tham dự.
Trong những năm gần đây, ông là nhà tài trợ kim cương, tài trợ toàn bộ đồng phục thi đấu cho các tuyển thủ của tất cả các đội tham gia thi đấu. Chia sẻ cảm xúc của mình trong những ngày này ông tự hào: “Lễ hội làng Xuân Hy là dịp để bản thân tôi và gia đình được về quê để sống trong bầu không khí ấm áp của tình làng nghĩa xóm và tình cảm anh em bạn bè. Được xem các trò chơi dân gian, làm cho tôi được đắm chìm trong những cảm xúc về ký ức tuổi thơ với những trò chơi dân gian đầy ý nghĩa. Ngày nay tuy cuộc sống có đầy đủ, tiện nghi hơn nhưng thế hệ trẻ sẽ không có những năm tháng tuổi thơ ngọt ngào, ý nghĩa như chúng tôi ngày xưa. Chính vì vậy, tranh thủ dịp này những năm trước tôi vẫn thường đưa vợ con về thăm quê và dự lễ hội. Đây cũng là cách để mình giáo dục con cháu về truyền thống quê hương và cội nguồn của bọn trẻ”.
Năm nào cũng thế vào dịp tháng 8 âm lịch, anh Nguyễn Văn Thảo sinh năm 1979 (xóm 8 quê hương Xuân Thủy) hiện đang sinh sống và làm việc tại TP, Điện Biên Phủ tỉnh Điện Biên lại háo hức trở về quê hương dự hội làng, anh Thảo phấn khởi chia sẻ: “ Thật sự, những người đi làm ăn xa không về không thể chịu được, năm nay tôi về từ rất sớm và rất bồi hồi khi được gặp anh em bạn bè trong ngày hội làng”.
Ông Nguyễn Kim Thuyết – Chủ tịch UBND xã Xuân Thủy, Trưởng ban tổ chức lễ hội Xuân Hy cho biết, trong những năm qua nhờ công tác tổ chức chặt chẽ mà lễ hội làng đã có sự đổi thay rõ rệt từ quy mô đến chất lượng, góp phần thỏa mãn đời sống văn hóa tâm linh của người dân, thu hút được nhiều nguồn lực từ nhưng người con Xuân Hy đi là ăn trong vào ngoài nước để xây dựng và phát triển quê hương. “Dân làng Xuân Hy đoàn kết chung tay hưởng ứng chương trình mục tiêu quốc gia “xây dựng nông thôn mới” quyết tâm xây dựng làng trở thành một làng quê có kinh tế phát triển, văn hóa lành mạnh, tích cực đóng góp công sức để tôn tạo Đền và các thiết chế văn hóa của làng ngày một khang trang xứng đáng với công lao to lớn của thánh tổ Ngô Tướng Công, phúc thần Trần Quận Công, Đỗ Quận Công đã dày công gây dựng”-ông Thuyết tự hào chia sẻ.
Trải qua những biến thiên của thời gian, lịch sử, lễ hội chùa Xuân Hy đến nay vẫn có sức sống bền bỉ, trường tồn mang một ý nghĩa, sắc thái riêng, tưởng nhớ những người có công với quê hương đất nước, thể hiện truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Trảy hội mùa thu ở Xuân Hy là dịp để nhân dân và du khách tri ân những bậc tiền nhân có công với dân với nước, khám phá những trầm tích văn hóa, huyền thoại, chuyện kể qua các nghi thức tế lễ, diễn xướng dân gian độc đáo và đặc sắc vẫn được người dân trong làng Xuân Hy bảo lưu, truyền giữ.
Nguồn Dân Sinh: //baodansinh.vn/ve-xuan-hy-vui-hoi-lang-truyen-thong-20231006155744.htm