Nam Định: Nhộn nhịp thị trường Tết Trung thu

Nam Định vốn nổi tiếng với nghề làm bánh Trung thu, đèn ông sao truyền thống không chỉ phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh và các tỉnh, thành phố lân cận. Tết Trung thu năm nay, thị trường bánh, đồ chơi sôi động bởi đa dạng mẫu mã hàng hóa phục vụ nhu cầu người tiêu dùng.

Còn chừng nửa tháng nữa là đến Tết Trung thu. Trên khắp các tuyến phố lớn của thành phố Nam Định như Trần Hưng Đạo, Lê Hồng Phong, Hoàng Văn Thụ… đã tràn ngập những quầy hàng bày bán bánh trung thu của các thương hiệu bánh kẹo lớn Kinh Đô, Tràng An, Hữu Nghị, Hải Hà, Bibica, Richy… phục vụ người tiêu dùng cả dòng bánh bình dân và cao cấp.

Nhìn chung, dòng bánh cao cấp của các thương hiệu lớn vẫn là những sản phẩm có nhân bánh hiện đại được chế biến từ các nguyên liệu cao cấp nhập khẩu như: vi cá mập, hải sâm, tôm hùm, bào ngư hay sâm tươi nguyên chất; hoặc các sản phẩm mang đặc trưng hương vị của bánh kẹo ngoại như bánh quy Pháp; bánh mochi của Nhật Bản…

Dòng bánh bình dân năm nay ngoài các hương vị cổ truyền có thêm nhiều hương vị mới như hương vị cà-phê, phô-mai, lava trứng chảy, mat-cha trứng, trà sữa trân châu, cốm xào dừa, hạt dẻ mật ong, mơ tây, việt quất, dưa lưới…

Về mẫu mã, ngoài các mẫu truyền thống là bánh tròn, bánh vuông có hoa văn trang trí hay hình con thú lợn con, cá chép cồn có thêm nhiều hình dáng lạ mắt như hình túi tiền tài lộc; nhân vật hoạt hình, thậm chí có cả mẫu mã trang trí viết thư pháp và vẽ tay tích cổ về chị Hằng, chú Cuội, trẻ mục đồng…

Giá bán có tăng so với trung bình năm ngoái khoảng 5-10% và tùy thuộc vào yêu cầu phác họa kiểu dáng, hoa văn trên mặt bánh (đối với dòng bánh trung thu nghệ thuật vẽ tay thủ công).

Đặc biệt, bánh trung thu truyền thống của những thương hiệu nổi tiếng của Thành Nam xưa như Minh Trang, Quang Hưng, Tân Anh, Bảo Phương… vẫn được khách hàng ưa chuộng bởi việc cải tiến chỉ tập trung ở mẫu mã bao bì phục vụ các nhu cầu sử dụng khác nhau, còn vẫn trung thành hương vị cổ truyền nên mặc dù thị trường chung có giảm sút nhưng lượng bánh sản xuất cung ứng hàng ngày vẫn duy trì đều.

Xưởng bánh truyền thống Quang Hưng, số 171 Nguyễn Trãi (thành phố Nam Định) chuyên tâm duy trì phương thức sản xuất thủ công, giữ nguyên hương vị bánh truyền thống cũng như chất lượng nên chiếc bánh dày dặn, bóng đẹp, sắc nét; bánh có thể bảo quản được từ 10-12 ngày ngoài nhiệt độ thường.

Chị Lưu Thị Ngọc, quản lý thương hiệu bánh Quang Hưng cho biết: “Là thế hệ thứ 3 trong gia đình tiếp nối nghề làm bánh trung thu, chúng tôi luôn trân trọng công thức làm bánh truyền thống từ thời bà nội tôi để lại. Thành phần nguyên liệu nhân bánh gồm xá xíu, gà quay, trứng muối, mứt bí, vừng rang được chúng tôi lựa chọn kỹ lưỡng; khi sên nhân bánh để mộc, không thêm phụ gia, hương liệu hay màu thực phẩm để khách hàng tận hưởng đúng hương vị bánh truyền thống. Vào mùa trung thu, xưởng bánh của gia đình có khoảng 60 thợ bánh làm miệt mài mới kịp cung ứng hàng cho khách”.

Khách hàng chọn mua đồ chơi Trung thu tại chợ Rồng (thành phố Nam Định).

Bánh mới ra lò thường phải đợi 2-3 ngày, nhân bánh thấm làm mềm lớp vỏ mới là lúc ngon nhất; bánh ăn ngon trong vòng từ 7-10 ngày sau khi ra lò và sử dụng trước 12 ngày kể từ ngày sản xuất.

Cùng với bánh, thị trường đồ chơi Tết Trung thu cũng nhộn nhịp không kém bởi mẫu mã khá đa dạng, trong đó các sản phẩm thủ công truyền thống trong nước chiếm ưu thế.

Đáng chú ý là giá bán đồ chơi không tăng do hầu hết sản phẩm đã được làm từ vài tháng trước thời điểm hàng hóa nguyên liệu tăng giá; giá đồ chơi nhập khẩu từ Trung Quốc giảm.

Tại chợ Rồng, chị Trần Thị Vân, chủ cửa hàng bán đồ chơi Vân Dung cho biết:

Năm nay, lượng khách mua đồ chơi sớm hơn. Đồ chơi truyền thống, đồ chơi làm thủ công của các làng nghề trong nước cũng được lựa chọn nhiều hơn bởi sự gần gũi, chất liệu an toàn và giá thành hợp lý. Sức mua không tăng so với những năm trước; đáng chú ý là có nhiều đối tượng khách hàng là nhà hàng, khách sạn, quán cà phê… cũng đặt mua một số mặt hàng đặc trưng như các loại đèn lồng, đèn kéo quân cách điệu… với số lượng lớn để trang trí, kết hợp tổ chức các hoạt động vui Tết trông trăng nhằm kích cầu thu hút khách hàng. Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp lớn trong tỉnh cũng mua sắm đồ chơi để trang trí không gian và tặng quà cho con em cán bộ nhân viên.

Sự phát triển của thương mại điện tử cũng là điều kiện thuận lợi để các tiểu thương tăng cường trao đổi các mặt hàng ẩm thực và đồ chơi trung thu trên mạng xã hội và thông qua các kênh mua sắm trực tuyến.

Do đó để người tiêu dùng được mua sắm, sử dụng hàng hóa an toàn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện đúng các quy định của pháp luật về kinh doanh hàng hóa; tăng cường công tác quản lý địa bàn, chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tổ chức kiểm tra, kiểm soát nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm về sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; đặc biệt, chú trọng kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh trung thu trong việc sử dụng nguyên liệu, chất phụ gia thực phẩm đúng tỷ lệ và điều kiện an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến và bảo quản thực phẩm.

Sau Tết Trung thu, Cục QLTT tỉnh sẽ kiểm soát việc thu hồi và xử lý các sản phẩm bánh kẹo hết hạn sử dụng, tránh việc các cửa hàng khuyến mại bán giảm giá để tiêu thụ hàng tồn kho hoặc tái sử dụng để sản xuất ra các sản phẩm khác gây mất an toàn cho người tiêu dùng.

Đối với mặt hàng đồ chơi trẻ em, lực lượng QLTT phối hợp với ngành chức năng kiểm tra các cơ sở kinh doanh, nhất là những mặt hàng đồ chơi thông minh, đồ chơi tích hợp nhiều chức năng và các loại đồ chơi theo thị hiếu của trẻ em, ngăn chặn đồ chơi kích động bạo lực, nguy hiểm hoặc đồ chơi công nghệ cài cắm ý đồ xấu, nỗ lực đảm bảo hàng hóa phục vụ Tết Trung thu năm 2023 sẽ thực sự ý nghĩa, an toàn, tiết kiệm./.

nguồn ; https://thuonghieucongluan.com.vn/nam-dinh-nhon-nhip-thi-truong-tet-trung-thu-a201073.html

Tin liên quan