Nam Định Gia đình ‘giữ lửa’ nghề làm đèn ông sao truyền thống

Khi không khí tết Trung thu tràn về khắp mọi nơi cũng là lúc làng nghề truyền thống làm đèn ông sao Báo Đáp (xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) thêm nhộn nhịp, tất bật.

Khi không khí tết Trung thu tràn về khắp mọi nơi cũng là lúc làng nghề truyền thống làm đèn ông sao Báo Đáp (xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) thêm nhộn nhịp, tất bật. Trải qua bao thăng trầm, nhưng nghề làm đèn ông sao làng Báo Đáp không hề bị mai một mà ngày càng phát triển và đến nay đã trở thành nghề mang lại thu nhập cho người dân.

Thời điểm trước Tết trung thu 1 tháng, ai có dịp ghé thăm ngôi làng này sẽ thấy cực kỳ ấn tượng với những khoảng sân nhỏ đầy ắp những chồng đèn ông sao lên tới hàng trăm, hàng ngàn chiếc lung linh trong nắng. Hình ảnh những cụ già mải mê ngồi cắt sợi, đôi bàn tay thoăn thoắt ngồi phết hồ dán cùng lũ nhỏ, hay sự tỉ mỉ của những chàng thanh niên khi cuốn dây kim tuyến làm thành vòng tròn của chiếc đèn dần trở thành nét riêng đặc biệt của mảnh đất này.

Hơn chục năm gắn bó với nghề làm đèn, anh Đỗ Tuấn Linh (trú xóm 8, thôn Báo Đáp, xã Hồng Quang) – tâm sự: “Hiếm có miền quê nào của tỉnh Nam Định lại được đón tết Trung thu sớm như ở Báo Đáp. Cách Rằm tháng Tám chừng một tháng, thương lái đã đổ về gom hàng. Ai yêu thích đồ chơi Trung thu truyền thống mà tìm về đây thì đều được coi là người nhà”.

Vật liệu làm đèn khá đơn giản gồm có tre nứa, giấy bóng kính và xương cây đay làm cán. Không giống như các sản phẩm khác, đèn ông sao của làng Báo Đáp được làm hoàn toàn theo phương pháp thủ công.

Để làm được một chiếc đèn ông sao thì ban đầu người thợ phải xác định được kích thước của đèn, sau đó bắt đầu lên khung, dán giấy bóng kính và sau cùng là vẽ trang trí. Từng công đoạn một, dù nhỏ đến đâu cũng đòi hỏi sự tỉ mẩn, kiên trì qua đôi bàn tay khéo léo của người thợ.

Cũng theo anh Linh, để làm ra những chiếc đèn ông sao đẹp, bắt đầu từ tháng Giêng, người dân thôn Báo Đáp phải tìm mua những cây nứa, cây vầu từ khắp các tỉnh như: Cao Bằng, Thanh Hóa, Nghệ An, Lạng Sơn… Rồi phải đưa xuống ao ngâm chừng 1-2 tháng cho “chín”. Có như thế nan đèn mới có đủ độ dẻo, khi uốn chiếc đèn sẽ căng phồng, không bị gãy.

Theo những người lớn tuổi làng nghề Báo Đáp, nghề làm đèn ông sao đã có từ những năm 50 – 60 của thế kỷ trước. Thời điểm đó, các loại hoa giấy, hoa ni-lon, đèn ông sao của làng đã có mặt tại các phiên chợ ở các tỉnh, thành phố phía Bắc.

Do nghề xuất hiện sớm nên đến nay hầu hết người dân trong làng, từ những người lớn tuổi cho đến các cháu thiếu nhi đều có thể nắm chắc các bước để hoàn thiện một chiếc đèn ông sao với kích thước khác nhau.

Gắn bó với nghề làm đèn ông sao từ khi còn nhỏ, tính tới năm nay đã hơn 30 năm theo nghề, Anh Linh cho hay: “Mình biết đến và gắn bó với nghề này ngay từ khi còn nhỏ, ban đầu thì bố mẹ làm chính, mình chỉ phụ những công việc nhỏ nhặt, thế nhưng làm nhiều rồi quen, cũng học theo bố mẹ làm tất cả các công đoạn. Tới lúc lớn thì tự mình có thể làm thành thạo một chiếc đèn mà không cần ai giúp đỡ, tới nay thì đây vẫn là công việc chính đưa lại thu nhập cho gia đình.”

Em Đỗ Tuấn Phong (con trai anh Linh) cũng đã theo nghề làm đèn của gia đình được 2 năm. Những lúc ngoài giờ học em đều tham gia làm đèn cùng với bố mẹ. Lúc đầu chỉ phụ những công việc nhẹ nhàng đến nay em đã có thể tự làm hoàn thiện một chiếc đèn ông sao truyền thống.

Không chỉ có anh Linh mà rất nhiều các gia đình làng Báo Đáp vẫn giữ được nghề truyền thống của cha ông. Nếu ghé thăm làng Báo Đáp vào thời điểm trước tết Trung thu 1 tháng thì ta sẽ thấy những thùng đèn ông sao xếp đầy trong nhà. Những mảng giấy bóng kính được cắt đều và in hoa văn xếp thành từng chồng gọn gàng để chuẩn bị lên khung.

Hình ảnh những cụ già mải mê ngồi cắt sợi, đôi bàn tay thoăn thoắt ngồi phết hồ dán cùng lũ nhỏ, hay sự tỉ mỷ của những chàng thanh niên khi cuốn dây kim tuyến làm thành vòng tròn ngoài cùng của đèn ông sao hoặc bốc xếp vận chuyển đèn ông sao cho khách ở xa đã dần trở nên quen thuộc với những người dân làng Báo Đáp và những thương lái tới đây.

Thời điểm hiện tại, làng nghề Báo Đáp không chỉ là nguồn cung chủ yếu của miền Bắc mà còn là nguồn cung cho các thương lái miền Nam, thậm chí nhiều cơ sở sản xuất làng Báo Đáp chỉ chuyên sản xuất các đơn cung cấp sản phẩm cho các lái buôn miền Nam.

Trung bình một ngày mỗi người dân làng Báo Đáp có thể làm được 150 – 200 chiếc đèn, thời điểm cách trung thu 1 tháng cơ sở sản xuất nào có đơn đặt hàng nhiều thì phải thuê thêm nhân công, tiền trả nhân công là 200.000 – 250.000 đồng/ngày. Nếu trừ chi phí đi thì người dân làng Báo Đáp có thể có thu nhập từ 50 – 100 triệu đồng mỗi tháng.

Trong quá trình phát triển làng nghề, người dân làng Báo Đáp cũng gặp khó khăn vì đồ chơi có xuất xứ từ Trung Quốc tràn về chiếm lĩnh thị trường. Thế nhưng, đèn ông sao làng Báo Đáp lại mang một sắc thái riêng, những chiếc đèn ông sao dân giã, dưới ánh trăng đêm rằm trung thu, vẫn trở nên hấp dẫn đến lạ kỳ. Đèn ông sao được trẻ em cả nước mong chờ để cùng nhau rước trong đêm trung thu, được người nước ngoài yêu thích vì chứa đựng trong đó tinh hoa và bản sắc dân tộc Việt.

Những ngày này làng Báo Đáp nườm lượp xe của thương lái về thu mua đèn ông sao mang đi tiêu thụ.

Đèn ông sao Báo Đáp vẫn giữ nguyên được vẻ gần gũi và thấm đậm tính dân tộc và là một món đồ chơi dân gian không thể thiếu trong mỗi dịp Trung thu về của các em nhỏ Việt Nam, đặc biệt là ở vùng nông thôn.

Nam Nguyễn – Vũ Mừng (*Vụ Gia đình, Bộ VHTTDL thực hiện – Báo Tổ Quốc)

Nguồn Du lịch TP.HCM: //tcdulichtphcm.vn//chuyen-hay/gia-dinh-giu-lua-nghe-lam-den-ong-sao-truyen-thong-c17a58948.html

Tin liên quan