Làng trồng cau nhiều nhất Nam Định: Ươm cau giống “hốt bạc”, lò sấy cau nóng rực ngày đêm
Nắm bắt nhu cầu về quả cau ở thị trường Trung Quốc, nhiều hộ trồng cau ở xã Hải Đường, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định đã phát triển nghề ươm cau giống, mở rộng quy mô sản xuất cây cau giống bán khắp nơi. Lò sấy cau cũng hoạt động ngày đêm làm ra sản phẩm bán sang Trung Quốc.
Nghề ươm cau giống lên “ngôi”
Hỏi về nghề ươm cau giống, người trong làng Hoành Đồn, xã Hải Đường nói rằng, đây là một nghề đang “hot”, phát triển rầm rộ khoảng 10 năm trở lại đây. Nhiều hộ gia đình giàu lên trông thấy nhờ nghề ươm, sản xuất cau giống
Xã Hải Đường có rất nhiều cơ sở sản xuất cau giống. Tuy nhiên, nổi bật nhất phải nhắc đến cơ sở chuyên ươm, sản xuất cau giống của gia đình anh Nguyễn Văn Ước (xóm 6, xã Hải Đường). Đây là cơ sở sản xuất cau giống uy tín và chất lượng ở địa phương, được nhiều người nhắc đến.
Bản thân anh Ước đã có hàng chục năm kinh nghiệm trong lĩnh vực ươm, sản xuất cau giống. Do đó, chất lượng cau giống không phải bàn cãi, cây giống đạt chuẩn, được rất nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh ghi nhận.
Gia đình anh chủ yếu sản xuất cau giống mùa (giống cau thuần chủng của địa phương, thời gian thu hoạch từ tháng 8 – 12 âm lịch), cau tứ thời (ra quả quanh năm) và cau lùn (chủ yếu chơi cảnh).
Có 3 loại phân khúc chính để khách hàng lựa chọn: Cau mầm, cao 2cm/mầm; cau ươm bầu, cao 15 – 20 cm, có 2 – 3 lá/cây; cau dâm đất, chiều cao cây từ 70cm trở lên. Ngoài ra còn nhiều phân khúc cây giống khác nhau.
Theo anh Ước, giá cau giống phụ thuộc vào thị trường, tùy theo từng năm. Trung bình, giá cau mầm dao động từ 5.000 – 10.000/mầm, cau ươm bầu từ 10.000 – 20.000 đồng/bầu, cau cao từ 70cm trở lên có giá trên 25.000 đồng/cây; riêng cau lùn (đã 2 năm tuổi) bán với giá trên 250.000 đồng/cây.
“Hiện nay thị trường của gia đình tôi phủ sóng khắp cả nước. Tuy nhiên, khu vực tiêu thụ mạnh nhất vẫn là miền Trung và các tỉnh phía Bắc”, anh Ước nói và cho biết thêm, trung bình mỗi năm, gia đình anh cung ứng ra thị trường trên 2 vạn cây giống lớn, nhỏ.
Để có nguồn cây giống đạt chuẩn, anh Ước lựa chọn những quả cau chất lượng nhất, khai thác từ cây mẹ. Anh bảo, cây mẹ càng lâu năm (nhiều tuổi – PV) thì cho chất lượng quả càng tốt, từ đó ươm mầm, sản xuất cây giống tỷ lệ hao hụt sẽ ít.
Hiện gia đình anh đang sở hữu hơn 100 cây cau mẹ, có tuổi đời từ 30 – 40 năm trở lên. Đây là những cây cau được bố mẹ anh trồng và để lại cho anh Ước chăm sóc. Ngoài ra, anh còn liên kết với các hộ trong làng, mua lại quả cau đạt chuẩn để về ươm, sản xuất cây giống.
Cau khô bán sang Trung Quốc
Để nâng cao giá trị cho quả cau, người trồng cau ở xã Hải Đường đã chọn cách sơ chế riêng biệt. Từ 1 cân cau tươi có giá trên 80.000 đồng, họ “biến” thành cau khô, bán với giá gần nửa triệu đồng/kg, giá trị kinh tế tăng gấp nhiều lần.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, toàn xã Hải Đường có trên 20 lò sấy cau tươi, với công suất khoảng 10 tấn quả/lò. Vào thời điểm chính vụ, các lò sấy hoạt động hết công suất, chạy cả ngày lẫn đêm.
Gia đình anh Nguyễn Công Danh (xã Hải Đường) đầu tư lò sấy cau đã gần 10 năm nay, với quy mô 1 lò chuyên luộc cau tươi, 3 lò chuyên sấy khô; tạo công ăn việc làm cho các lao động lớn tuổi tại địa phương, gồm 8 lao động chính và 30 lao động thời vụ.
Trung bình mỗi năm, cơ sở sấy cau của gia đình anh Danh cung ứng cho thị trường trên 50 tấn cau khô. Toàn bộ cau sấy khô được xuất bán sang thị trường Trung Quốc.
“Thương lái Trung Quốc về tận cơ sở để xem sản phẩm, sau khi đã thống nhất giá, họ sẽ cân và đóng bao, đưa đi tiêu thụ tại thị trường nước của họ. Cau khô đưa sang đó được chế biến thành kẹo cau”, anh Danh chia sẻ.
Theo anh Danh, giá bán cau khô cũng phụ thuộc nhiều vào thị trường. Hiện giá đang dao động từ 460.000 – 470.000 đồng/kg và dự kiến giá cau khô còn tiếp tục tăng, do nguồn cung không đáp ứng đủ.
Anh Danh nhẩm tính, từ đầu vụ sản xuất đến nay, cơ sở sấy cau của gia đình anh đã cung ứng ra thị trường hơn 20 tấn cau khô.
Được biết, cứ 5kg cau tươi, sẽ thu về 1 kg cau khô. Như vậy, để có được nguồn cau tươi, phục vụ cho lò sấy, anh Danh phải liên kết rất nhiều với thương lái, người dân trong vùng để thu mua lại quả tươi.
Quả tươi sau khi thu mua về sẽ đưa vào lò luộc, mỗi mẻ luộc từ 40 – 60 phút. Tiếp đến, để ráo nước rồi chuyển vào lò sấy, cau được sấy trong nhiệt độ từ 65 – 70 độ C, với thời gian sấy 3 ngày liên tục, sấy cả ngày lẫn đêm. Cau khô được đưa ra ngoài và phân loại.
Trao đổi với Phóng viên Báo điện tử Dân Việt, ông Trần Thanh Huyên, Chủ tịch UBND xã Hải Đường (huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) thông tin, nghề ươm cau giống và các lò sấy cau ở địa phương phát triển mạnh từ 10 năm trở lại đây. Nhiều lò sấy đã thay đổi công nghệ sấy bằng hơi, giúp tăng giá trị kinh tế.
nguồn : https://danviet.vn/lang-co-nay-o-nam-dinh-dan-uom-cay-cau-giong-hot-bac-lo-say-cau-tuoi-nong-suot-ngay-dem-20241009145644412.htm