Hơn 50 năm “bán hơi” giữ nghề truyền thống ở Nam Định

Nam Định – Làng Xối Trì (xã Nam Thanh, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) nổi tiếng với nghề thổi thủy tinh, nhưng đến nay, trong làng chỉ còn 3 lò thổi. Ông Phạm Ngọc Hinh là một trong người cao tuổi ở làng còn gắn bó lâu nhất với nghề, vẫn mưu sinh từ hơi thổi thủy tinh và trăn trở giữ nghề.

Ông Phạm Ngọc Hinh (phía bên trái, đeo kính) hơn 50 năm làm nghề thổi thủy tinh. Ảnh: Lương Hà

Hơn 50 năm gắn với lò lửa gần 2.000 độ C

Hơn 70 năm trước, làng Xối Trì (xã Nam Thanh, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) xuất hiện nghề truyền thống thổi thủy tinh do một người trong làng mang về từ Trung Quốc. Từ những xưởng làm nghề rồi người này truyền dạy cho người kia, cha truyền con nối, trở thành cái nôi của nghề thổi thủy tinh từ đó.

Là một trong những người cao tuổi ở làng Xối Trì vẫn còn gắn bó với nghề truyền thống “thổi ra tiền”, ông Phạm Ngọc Hinh (tên thường gọi là ông Bê) đã 53 năm làm nghề chia sẻ: “Tôi theo nghề truyền thống từ những năm 1970. Tiếp xúc với nghề từ nhỏ, nhiều người trong làng làm nghề nên chúng tôi cũng được học hỏi. Khi lớn thành thạo, tôi làm thợ. Ngày trước, công việc này mang lại mức lương khá ổn định nhưng lại rất vất vả, giờ chẳng còn mấy ai theo nghề nữa”.

Ông Hinh làm việc trong ca thổi thủy tinh. Ảnh: Lương Hà

Để thổi được cốc thủy tinh hoàn chỉnh người thợ phải trải qua nhiều công đoạn vất vả ngày đêm. Trước hết, người thợ phải làm được nồi, đắp được lò nấu. Mảnh thủy tinh sau khi đập nhỏ, loại bỏ bụi bẩn sẽ được cho vào lò nung để nấu. Công đoạn này đòi hỏi phải chế biến từ từ để không làm ảnh hưởng tới sức chứa của nồi, thủy tinh được đổ vào nung nấu khoảng 5 tạ/lần.

Theo những người thợ thổi thủy tinh, sau khi thủy tinh đủ nhiệt (nhiệt độ đạt mức cực đại khoảng 1.800 độ C) và tan chảy hoàn toàn, những người thợ thổi thủy tinh sẽ bắt tay vào ca làm việc mới. Một dây chuyền gồm 5 người thợ thổi, 1 người cắt miệng cốc, 1 người ủ tro để cốc nguội. Ca làm việc liên tục cho đến khi thủy tinh nóng chảy trong lò hết mới kết thúc ca làm.

Lò nấu thủy tinh ở làng Xối Trì (xã Nam Thanh, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định). Ảnh: Lương Hà

Ông Trần Văn Duyên (1 trong 3 ông chủ của lò thổi thủy tinh thủ công ở làng Xối Trì) cho hay: “Những người làm thổi thủy tinh của gia đình tôi có ông Hinh là người cao tuổi nhất vẫn còn gắn bó với nghề. Trong một ca làm, ông Hinh làm việc như một người thợ chính, thổi luân phiên dây chuyền và làm đủ hết ca thổi mới nghỉ”.

“Bán hơi” giữ nghề truyền thống

Nghề thổi thủy tinh được người thợ Xối Trì gọi vui là nghề bán hơi bên ngọn lửa. Bởi, nguyên lý cơ bản của nghề này là nung chảy thủy tinh và thổi. Chia sẻ về kỹ năng để “bán hơi” suốt hơn 50 năm nay, ông Hinh kể: “Quá trình thổi thủy tinh đòi hỏi kỹ năng điêu luyện của người thợ. Ngoài vật dụng cần thiết là chiếc ống kim loại dài khoảng 1,5m, tôi giữ cho mình một lượng hơi vừa đủ để thổi vào đầu ống sau khi lấy thủy tinh từ trong lò ra. Sau đó, tôi nhanh tay đưa khối thủy tinh vào khuôn để định hình cốc”.

Ông Hinh còn “khoe” vì theo nghề mà ông giữ được sức khỏe như bây giờ, nhiều ca, ông làm suốt 3 tiếng mới phải nghỉ ngơi.

Vang bóng một thời là thế, nhưng những năm trở lại đây, nghề thổi thủy tinh ở Xối Trì đã bị lao đao bởi cơn bão thị trường. Máy móc hiện đại ra đời, các sản phẩm tinh xảo được sản xuất nhanh hơn, sản phẩm làng nghề tuy vẫn đáp ứng được chất lượng nhưng tốc độ sản xuất không bằng máy móc, giá thành cao nên nhiều hộ đã bỏ nghề. Bên cạnh đó là sự cạnh tranh của đồ nhựa, đồ inox làm thị trường tiêu thụ bị thu hẹp.

Suốt nhiều năm trăn trở về nghề truyền thống, ông Hinh chia sẻ: “Người trẻ của làng không còn ai theo nghề bởi công việc vất vả, mất sức mà thu nhập không hơn những việc làm thuê bên ngoài. Người thợ lớn tuổi như tôi vẫn làm là vì mong muốn muốn giữ lấy cái nghề truyền thống của cha ông để lại. Tôi hy vọng làng nghề được duy trì, phát triển, ngoài giải quyết công việc cho bà con còn giữ gìn nét văn hóa làng nghề truyền thống cha ông để lại”.

Tin liên quan