Đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam hơn 67 tỷ USD đi qua Nam Định, hoàn thành 2035

Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam đi qua 20 tỉnh, thành với tổng mức đầu tư sơ bộ hơn 1,713 triệu tỷ đồng. Quốc hội quyết nghị đường sắt tốc độ cao đi qua ga Nam Định, hoàn thành vào 2035.

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, với chiều dài toàn tuyến khoảng 1.541km, sẽ nối ga Ngọc Hồi (Hà Nội) và ga Thủ Thiêm (TPHCM). Tuyến đường đi qua địa phận của 20 tỉnh, thành phố.

Bao gồm: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, và TPHCM.

Dự kiến dự án hoàn thành năm 2035 (Ảnh minh họa: AI).

Đường sắt tốc độ cao có 23 ga hành khách

Hạ tầng tuyến đường được thiết kế hiện đại, gồm hai đường ray khổ 1.435mm, tốc độ tối đa 350km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục. Tuyến đường sẽ có 23 ga hành khách và 5 ga hàng hóa, phục vụ vận chuyển hành khách, đáp ứng lưỡng dụng quốc phòng, an ninh và sẵn sàng vận tải hàng hóa khi cần thiết.

Dự án sử dụng tổng diện tích đất khoảng 10.827ha, trong đó gồm 3.655ha đất trồng lúa, 2.567ha đất lâm nghiệp và 4.605ha đất khác. Dự kiến, khoảng 120.836 người sẽ phải tái định cư.

Tổng mức đầu tư sơ bộ lên tới 1,71 triệu tỷ đồng (tương đương 67,3 tỷ USD), được huy động từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, vốn đầu tư công trung hạn và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Theo kế hoạch, từ năm 2025 sẽ tiến hành lập báo cáo nghiên cứu khả thi, hướng tới mục tiêu cơ bản hoàn thành dự án vào năm 2035.

Trước khi Quốc hội biểu quyết, quá trình thảo luận, có ý kiến đề nghị đề nghị bổ sung phạm vi dự án kéo dài từ Lạng Sơn đến mũi Cà Mau và phân kỳ thực hiện theo từng giai đoạn.

Ý kiến khác đề nghị kết nối dự án vào tuyến đường sắt TPHCM đi Cần Thơ để bảo đảm đồng bộ.

Nêu quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định phát triển các tuyến đường sắt mới từ Lạng Sơn đến Cần Thơ, gồm 3 đoạn tuyến: Lạng Sơn (Đồng Đăng) – Hà Nội, Hà Nội – TPHCM, TPHCM – Cần Thơ.

Ba tuyến đường sắt mới này được đầu tư để kết nối các vùng động lực, các đô thị, các trung tâm kinh tế lớn và bảo đảm quốc phòng – an ninh trên hành lang kinh tế Bắc – Nam.

“Các đoạn tuyến đường sắt từ Lạng Sơn đến Cần Thơ có nhu cầu vận tải khác nhau nên tiêu chuẩn kỹ thuật, loại hình đường sắt cũng khác nhau và được nghiên cứu đầu tư theo các dự án độc lập, phù hợp với nhu cầu vận tải của từng đoạn tuyến và khả năng huy động”, ông Thanh nói.

Cụ thể: đoạn Lạng Sơn – Hà Nội, chiều dài 156 km là đường sắt tiêu chuẩn, đang nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết, dự kiến đầu tư trước năm 2030.

Đoạn Hà Nội – TPHCM, chiều dài 1.541 km là đường sắt tốc độ cao, phấn đấu khởi công năm 2027.

Đoạn TPHCM – Cần Thơ, chiều dài 174 km là đường sắt tiêu chuẩn, đang chuẩn bị đầu tư, dự triển khai đầu tư trước năm 2030.

Về nguồn vốn của dự án, theo ông Thanh, dự án kéo dài qua 3 kỳ trung hạn, nên việc xác định khả năng cân đối vốn là chưa có quy định.

Do đó, nghị quyết quy định dự án được bố trí vốn qua các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn, mức vốn bố trí mỗi kỳ trung hạn phù hợp với tiến độ thực hiện dự án và không phải thực hiện việc thẩm định khả năng cân đối vốn theo quy định của Luật Đầu tư công.

Loạt chính sách đặc thù, đặc biệt để làm đường sắt tốc độ cao

Để thực hiện dự án, Quốc hội đồng ý áp dụng nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt.

Trong đó, Thủ tướng được quyết định phát hành trái phiếu Chính phủ để bổ sung dự toán và kế hoạch đầu tư hằng năm cho dự án trong trường hợp dự toán ngân sách nhà nước bố trí hằng năm không đáp ứng tiến độ.

Thủ tướng cũng được quyết định huy động vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi nước ngoài để thực hiện dự án và không phải lập đề xuất dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài; áp dụng theo quy định của nhà tài trợ nước ngoài trong trường hợp pháp luật Việt Nam chưa có quy định hoặc đã có quy định nhưng khác với quy định của nhà tài trợ nước ngoài.

Dự án đường sắt tốc độ cao không phải thực hiện việc thẩm định khả năng cân đối vốn theo quy định của Luật Đầu tư công. Thủ tướng sẽ quyết định điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm vốn ngân sách Trung ương giữa các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương để bố trí vốn cho dự án.

Cơ chế chính sách đặc biệt nữa là, trong vùng phụ cận ga, UBND cấp tỉnh được quyết định các chỉ tiêu quy hoạch, kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, các yêu cầu về không gian khác với quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, nhưng phải bảo đảm đáp ứng về hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.

UBND tỉnh cũng được điều chỉnh chức năng sử dụng các khu đất trong vùng phụ cận ga đường sắt để khai thác quỹ đất và giá trị tăng thêm từ đất.

Số tiền thu được từ khai thác quỹ đất vùng phụ cận ga đường sắt tốc độ cao sau khi trừ đi các chi phí có liên quan theo quy định của pháp luật, chính quyền địa phương cấp tỉnh được giữ lại 50% và nộp 50% vào ngân sách trung ương để cân đối ngân sách nhà nước đầu tư cho dự án.

Trong thời gian Quốc hội không họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội được xem xét, quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, trừ trường hợp điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư của dự án.

Bộ trưởng Bộ GTVT được quyết định điều chỉnh dự án với các trường hợp: khi điều chỉnh quy hoạch ảnh hưởng trực tiếp tới dự án; do ảnh hưởng của sự cố thiên tai, hỏa hoạn hoặc yếu tố bất khả kháng khác khi đã hết thời gian bảo hiểm của dự án;

Và chỉ số giá trong thời gian thực hiện dự án lớn hơn chỉ số giá được sử dụng để tính dự phòng trong tổng mức đầu tư dự án.

nguồn ; https://dansinh.dantri.com.vn/tien-luong-tien-cong/duong-sat-toc-do-cao-bac-nam-hon-67-ty-usd-di-qua-nam-dinh-hoan-thanh-2035-20241201004722694.htm

Tin liên quan