Dự kiến sáp nhập Nam Định, nơi có 2 người con nghìn đời sau vẫn được nhắc tên

Nam Định là địa phương nằm trong diện sáp nhập. Vùng đất học này có 2 người con đến nghìn đời sau vẫn được nhắc đến.

Dự kiến sáp nhập Nam Định
Nam Định là tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng, tiếp giáp với tỉnh Thái Bình ở phía Bắc, tỉnh Ninh Bình ở phía Nam, tỉnh Hà Nam ở phía Tây Bắc, giáp biển (vịnh Bắc Bộ) ở phía Đông với bờ biển dài 74 km.

Nam Định cùng với 8 tỉnh, thành khác trong vùng dự kiến sáp nhập gồm TP Hải Phòng, các tỉnh Hà Nam, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Thái Bình, Hải Dương, Nam Định, Ninh Bình.

Đây là thành phố cổ thứ hai chỉ sau Hà Nội, có lịch sử xây dựng trước cả Phố Hiến và Hội An, nay đã hơn 760 tuổi. Địa phương cũng được mệnh danh là vùng “đất học” của cả nước.

Tỉnh Nam Định thuộc diện sáp nhập. Ảnh: Báo Nam Định

Theo thống kê của Hội Khuyến học tỉnh Nam Định, từ năm 1075 đến năm 1919, các triều đại phong kiến Việt Nam đã tổ chức tổng cộng 183 khóa thi cấp đại khoa để chọn hiền tài. Trong các cuộc thi ấy, tỉnh Nam Định có tới 88 người thi đỗ. Trong đó, có 5 người đỗ Trạng nguyên gồm: Nguyễn Hiền, Lương Thế Vinh, Vũ Tuấn Chiêu, Trần Văn Bảo, Đào Sư Tích. Riêng Nguyễn Hiền không chỉ là người đầu tiên trong lịch sử khoa bảng phong kiến Việt Nam thi đỗ Trạng Nguyên mà còn thi đỗ khi mới 13 tuổi.

Dự kiến sáp nhập Nam Định: Nơi có Trạng nguyên Nguyễn Hiền là Trạng nguyên đầu tiên và nhỏ tuổi nhất
Nguyễn Hiền là Trạng nguyên đầu tiên và cũng là Trạng nguyên nhỏ tuổi nhất trong lịch sử Việt Nam. Trạng nguyên Nguyễn Hiền sinh năm Ất Mùi (1234) tại làng Dương Miện, huyện Thượng Hiền, phủ Thiên Trường, Lộ Nam Sơn nay là thôn Dương A, xã Nam Thắng, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định.

Đền thờ Trạng nguyên Nguyễn Hiền ở Nam Định. Ảnh: Cổng TTĐT Nam Định

Thuở nhỏ, cha mất sớm, ông sống với mẹ trong một căn nhà nhỏ ba gian bên cạnh một ngôi chùa. Vị sư trụ trì của chùa vốn là một danh Nho, vừa tụng kinh niệm phật vừa dạy học cho những trẻ chưa biết chữ trong làng. Ngay từ thời thơ ấu, Nguyễn Hiền đã lân la ở bên các lớp học, sớm tiếp xúc với chữ nghĩa sách vở. Dù chưa đến tuổi đi học, Nguyễn Hiền đã nổi danh là người hay chữ, giỏi đối đáp, được suy tôn làm “Thần đồng xuất chúng”.

Năm 1247, Nguyễn Hiền đã thi đậu Trạng nguyên, trở thành vị Trạng nguyên đầu tiên và trẻ nhất trong lịch sử Việt Nam, được vua Trần Thái Tông phong cho bốn chữ “Khai Quốc Trạng Nguyên”. Dù vậy, vì tuổi còn quá nhỏ, vua cho là Trạng chưa hiểu hết “lễ”, nên cho về học “lễ” rồi mới được làm quan.

Mấy năm sau, sứ thần Trung Hoa sang Việt Nam, đưa ra nhiều câu đối kèm theo nhiều yêu sách xấc xược nếu triều đình không giải đáp được. Thời hạn sắp hết, vua Trần Thái Tông phải cho mời Nguyễn Hiền vào kinh đô để hỏi ý kiến. Trước tài đối đáp nhanh nhạy và trí thông minh kiệt xuất của Trạng nước Nam, sứ Tàu phải nể phục, mọi yêu sách đều được giải tỏa. Từ đây, vua Trần đã chính thức mời ông về triều tham gia chính sự. Những năm làm quan trong triều, ông đã có nhiều kế sách phò vua giúp nước như: đắp đê ngăn lũ lụt ở sông Hồng, phát triển sản xuất cho dân no ấm; mở mang võ đường rèn luyện quân sĩ, tăng cường sức mạnh quốc phòng cho đất nước; trông coi việc văn chương và mở mang công nghệ. Vua Trần còn giao cho ông việc ứng phó với sứ Tàu và phong cho ông chức “Đông các đại học sĩ”.

Giữa lúc tài năng và sự nghiệp giúp dân, giúp nước đang trên đà phát triển mạnh, ông đã tạ thế vào ngày 11/8 năm Ất Mão (1255) khi vừa tròn 21 tuổi. Cuộc đời tuy ngắn ngủi nhưng tài năng, công đức và học vấn uyên thâm của Trạng nguyên Nguyễn Hiền đã làm rạng danh thế hệ trẻ của Việt Nam, xứng đáng là một tấm gương sáng về năng lực tự học thành tài, về đức độ yêu nước, thương dân… Nguyễn Hiền xứng đáng được ghi nhận như là một nhà bác học, nhà ngoại giao và nhà chính trị kiệt xuất trong lịch sử Việt Nam.

Trạng nguyên Lương Thế Vinh: Người đặt nền móng cho nền Toán học Việt Nam
Lương Thế Vinh sinh ngày 1/8 năm Tân Dậu (tức 17/8/1441) tại làng Cao Hương, huyện Thiên Bản, trấn Sơn Nam (nay là thôn Cao Phương, xã Liên Bảo, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định). Từ nhỏ Lương Thế Vinh đã nổi tiếng về khả năng học mau thuộc, nhanh hiểu và khả năng sáng tạo trong các trò chơi như đá bóng, thả diều, câu cá, bẫy chim.

Năm 1463, Lương Thế Vinh đỗ Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ nhất danh (trạng nguyên) khoa Quý Mùi niên hiệu Quang Thuận thứ 4, đời Lê Thánh Tông.

Lương Thế Vinh nổi tiếng với tài năng toán học. Có giai thoại kể rằng một lần trong lúc đang chơi bóng với các bạn, quả bóng lăn xuống một hố hẹp và sâu, tưởng như không lấy lên được. Lương Thế Vinh đã nghĩ ra cách lấy bóng lên bằng việc đổ nước vào hố và lợi dụng việc bóng nổi trên nước để lấy lại quả bóng. Hay câu chuyện cân một con voi. Lương Thế Vinh đưa voi lên một chiếc thuyền rồi đánh dấu mép nước bên thuyền, sau đó dắt voi lên. Tiếp theo, ông ra lệnh đổ đá hộc xuống thuyền, cho đến lúc thuyền chìm xuống đến đúng dấu cũ. Việc còn lại là đưa từng viên đá lên cân và cộng kết quả. Rồi đo bề dày của một tờ giấy xé ra từ một quyển sách. Ông nói chỉ cần đo bề dày cả cuốn sách rồi chia đều cho số tờ là ra ngay kết quả.

Quyển Đại thành toán pháp của ông được đưa vào chương trình thi cử suốt 450 năm trong lịch sử giáo dục Việt Nam. Ông cũng được xem là người chế ra bàn tính gẩy cho người Việt, lúc đầu làm bằng đất rồi bằng trúc, bằng gỗ, sơn mầu khác nhau, đẹp và dễ tính, dễ nhớ. Ông được nhân dân gọi tên là Trạng Lường sau khi đỗ trạng nguyên.

Ngoài công việc hàn lâm trong triều, Lương Thế Vinh còn được vua giao việc thảo những văn thư ngoại giao với nhà Minh. Dù là một nhà nho lỗi lạc, Lương Thế Vinh cũng sáng tác văn Nôm. Ông được cho là tác giả của Thập giới Cô hồn Quốc ngữ văn, còn gọi là Phật kinh Thập giới. Lương Thế Vinh cũng quan tâm nghiên cứu về âm nhạc dân gian, như hát chèo.

Ông mất ngày 26/8 năm Bính Thìn (tức 2/10/1496) tại quê nhà, thọ 55 tuổi.

nguồn ; //danviet.vn/du-kien-sap-nhap-nam-dinh-noi-co-2-nguoi-con-nghin-doi-sau-van-duoc-nhac-ten-d1322772.html

Tin liên quan