Đặc sản Nam Định, loại rau dại gọi là củ mà thực ra lại là thân, ăn một lần vạn người mê
Những ngày qua, người dân xã Nghĩa An, huyện Nam Trực tất bật vào vụ thu hoạch củ niễng (bắp niễng)-đặc sản Nam Định dịp cuối thu, đầu đông.
Củ niễng – đặc sản Nam Định mọc như cỏ dại dưới ruộng trũng
Cây niễng bén rễ trên đồng đất xã Nghĩa An khoảng 40 năm nay. Đây là loại cây có bộ lá thon, dài và sắc, được trồng theo khóm như cấy lúa. Hàng cách hàng, khóm cách khóm khoảng 30cm.
Hằng năm, niễng được trồng từ tháng Giêng. Sau nhiều tháng chăm sóc, niễng bắt đầu hình thành củ và cho thu hoạch từ cuối tháng 9, đầu tháng 10 âm lịch.
Để củ niễng luôn tươi ngon, đảm bảo chất lượng, người dân phải dậy thu hoạch từ lúc 5 giờ sáng. Họ thu hoạch theo lối, theo hàng, theo khóm; củ nào to thu hoạch trước, củ nào nhỏ thu hoạch sau.
Vụ mùa thu hoạch củ niễng ở xã Nghĩa An chỉ rầm rộ trong vòng 1 tháng là kết thúc. Sau đó, người dân làm công việc khác.
Đi dọc tuyến đường Lê Đức Thọ, đoạn qua xã Nghĩa An, chúng tôi không khó bắt gặp những quầy hàng bán củ niễng di dộng được kê gọn 2 bên đường. Các quầy bán củ niễng cách nhau vài mét.
Củ niễng được cắt bỏ lớp vỏ ở phần đầu, để lộ ra bắp niễng trắng nõn. Mỗi bó niễng có 10 củ. Các bó niễng được xếp gọn gàng và ngay ngắn trên mặt bàn. Nhiều hộ cẩn thận hơn khi phủ 1 lớp vải mỏng để che bụi bẩn bám vào bắp niễng.
Ngồi bán củ niễng bên dọc đường Lê Đức Thọ, anh Mai Văn Thái (thôn An Lá 2, xã Nghĩa An) chia sẻ, thời điểm này đang là chính vụ thu hoạch củ niễng. Niễng sau khi thu hoạch được cắt bỏ lá, phần vỏ và được anh đưa ra ngoài đường để bày bán.
Hiện tại, gia đình anh đang bán củ niễng với 2 hình thức. Một là bán trực tiếp ở ngoài đường, hai là đổ sỉ cho các đầu mối trên Hà Nội.
Theo anh Thái, năm nay thời tiết ủng hộ nên cây niễng phát triển tốt. Ngay từ đầu vụ, giá củ niễng đã ở đỉnh điểm 40.000 đồng/bó, mỗi bó 10 củ. Sau đó, giá giảm dần, hiện dao động từ 20.000 – 25.000 đồng/bó.
Hằng năm, gia đình anh Thái canh tác khoảng 1 mẫu niễng. Trung bình, mỗi vụ cho thu hoạch khoảng 10 – 15 triệu đồng/sào, tùy vào thị trường, giá bán, đầu ra tiêu thụ…
Vừa thu hoạch củ niễng dưới ruộng, bà Đỗ Thị Thúy (thôn An Lá 2, xã Nghĩa An) vừa cho biết, gia đình bà canh tác hơn 5 sào niễng. Mỗi năm, niễng cho thu hoạch củ 1 lần.
Bà bảo, năm nay giá bán đỉnh điểm 40.000 đồng/bó niễng không kéo dài như năm ngoái, cùng với đó giá niễng đang bắt đầu giảm nhanh, do đó năm nay thu nhập sẽ giảm hơn so với năm ngoái.
Thế nhưng, với mức giá trên 20.000 đồng/bó niễng, người dân cũng đã có lãi, thu nhập cao. “Trung bình, mỗi sào niễng gia đình tôi thu về khoảng 10 triệu đồng”, bà Thúy khẳng định.
Trồng củ niễng thu nhập hơn cấy lúa
Ở xã Nghĩa An, không phải thôn/xóm nào cũng trồng được cây niễng. Bởi, cây niễng chỉ phù hợp với thổ nhưỡng, đồng đất thôn An Lá 2 (xã Nghĩa An).
Theo người dân, cách đây khoảng 40 năm, cây niễng chủ yếu mọc tự nhiên ở bãi đất phù sa, sau này được người dân đưa về trồng. Khoảng 20 năm nay, thì diện tích canh tác cây niễng được mở rộng, nhiều diện tích trồng lúa kém hiệu quả được chuyển đổi sang trồng niễng.
Cây niễng rất dễ trồng, dễ lên và sinh trưởng phát triển tốt. Trong quá trình canh tác không phải phun trừ loại sâu bệnh nào, lượng phân đạm bón ra cũng ít hơn nhiều so với cây lúa, do đó chi phí sản xuất không cao.
Đặc biệt, không tốn nhiều công chăm sóc. Hiệu quả kinh tế lại cao, trên cùng 1 diện tích canh tác, nếu so với cây lúa thì trồng cây niễng cho giá trị kinh tế cao gấp vài lần.
Ông Mai Văn Thắng (thôn An Lá 2, xã Nghĩa An) bật mí, cây niễng hầu như không mắc sâu bệnh gì. Mỗi vụ, chỉ cho niễng “ăn” 4 – 5 lần phân bón, với số lượng ít. Hiệu quả kinh tế cao hơn cây lúa.
Tuy nhiên, theo anh Thắng, vào thời điểm thu hoạch chính vụ, hộ gia đình nào cũng thu hoạch nên sản lượng củ niễng tiêu thụ ra thị trường cùng 1 lúc rất lớn, do đó thị trường không ổn định.
“Củ niễng đã thu hoạch thì bắt buộc phải tiêu thụ, nếu để lâu thì chất lượng sẽ giảm. Gia đình nào có đầu mối bán lẻ ở các tỉnh thì còn đỡ lo ế, còn gia đình nào chỉ bán trực tiếp thì lo ngay ngáy”, anh Thắng tâm sự.
Đối với cây niễng, ngoài thu hoạch củ, người dân còn thu hoạch lá bán cho thương lái. Lá cây niễng được thương lái cung ứng cho các làng nghề sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ.
Chị Lại Thị Sen – một thương lái thu mua lá cây niễng cho hay, hằng năm, vào vụ thu hoạch củ niễng, chị sẽ đứng lên thu mua lại lá cây niễng của bà con nông dân. Một kg lá niễng, chị thu mua lại với giá 1.000 đồng.
“Trung bình, mỗi năm tôi thu mua được trên dưới 20 tấn lá niễng tươi. Toàn bộ lá niễng, được cung ứng cho làng nghề sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ”, chị Sen nói.
Theo lãnh đạo UBND xã Nghĩa An (huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định), toàn xã đang trồng khoản 10ha niễng, với gần 200 hộ canh tác.
nguồn : https://danviet.vn/cu-nieng-dac-san-nam-dinh-moc-nhu-rau-dai-than-goi-la-cu-ban-cho-thien-ha-an-van-nguoi-me-20241105151831916.htm
-
Nam Định Cầu phao Ninh Cường thông xe trở lại
-
Ngôi nhà 78 m2 thiết kế theo phong cách hiện đại nhưng vẫn đậm chất hồn quê tại vùng biển Nam Định
GÓC NAM ĐỊNH
-
Ngôi nhà 78 m2 thiết kế theo phong cách hiện đại nhưng vẫn đậm chất hồn quê tại vùng biển Nam Định
-
Nam Định Món xôi độc lạ mà nhiều người Việt không hề biết: Nhìn vừa giống bánh dày, vừa giống bánh đúc
-
Thêm 1 cầu thủ rời HAGL để gia nhập Thép xanh Nam Định?
-
Dự án cầu gần 1.500 tỉ nối Nam Định với Ninh Bình sắp đạt cột mốc quan trọng