Ảnh hưởng bão số 3, tỉnh Nam Định ước thiệt hại hơn 563 tỷ đồng
GĐXH – Do ảnh hưởng của bão số 3, mưa lũ gây ra trên địa bàn tỉnh Nam Định tính đến ngày 13/9/2024 thiệt hại ước khoảng 563,851 tỷ đồng.
Trao đổi với PV Gia đình và Xã hội, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nam Định cho biết, thực hiện Công điện số 1548/CĐ-VPCP ngày 12/9/2024 của Văn phòng Chính phủ về Hội nghị Thường trực Chính phủ với các địa phương bị ảnh hưởng do cơn bão số 3 về tình hình hậu quả, thiệt hại do cơn bão và hoàn lưu bão gây ra; các giải pháp khắc phục hậu quả, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ổn định đời sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh sau bão.
Sau khi rà soát, tổng hợp, thống kê, UBND tỉnh Nam Định đã có báo cáo về công tác triển khai phòng, chống và khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3 và mưa lũ gây ra trên địa bàn tỉnh Nam Định (báo cáo tính đến thời điểm 16 giờ ngày 13/9/2024).
Theo ông Trần Anh Dũng, bão số 3 đổ bộ vào tỉnh Nam Định khoảng từ 13h đến 19h30 ngày 07/9) và ảnh hưởng trực tiếp. Do ảnh hưởng của triều cường kết hợp các hồ chứa phía thượng lưu xả lũ, mực nước trên các sông lên cao. Mực nước trên sông Ninh Cơ tại trạm thủy văn Trực Phương, sông Đào tại trạm thủy văn Nam Định ở mức cao và xuống chậm. Khoảng 14h30 ngày 13/9, mực nước trên sông Đào mực nước tại trạm thuỷ văn Nam Định 4,82m (trên mức báo động 3 khoảng 0,53m); trên sông Ninh Cơ tại trạm Trực Phương là 3,57m (trên báo động 3 là 0,97m); mực nước trên sông Đáy tại trạm thủy văn Ninh Bình là 4,06m (vượt mức báo động 3 là 0,56m), tại trạm thủy văn Phủ Lý là 5,16m ( trên mức báo động 3 là 1,16m); trên sông Hồng tại trạm thủy văn Tiến Đức là 6,20m (dưới mưc báo động 3 là 0,10m).
Về tình hình thiệt hại do bão số 3, mưa lũ gây ra trên địa bàn tỉnh Nam Định, ông Trần Anh Dũng cho biết, tổng giá trị thiệt hại do bão số 3, mưa lũ gây ra trên địa bàn tỉnh Nam Định ước khoảng 563,851 tỷ đồng.
Trong đó, về người số hộ bị ảnh hưởng do bão số 3 và mưa lũ là 11.417 hộ, số người bị ảnh hưởng là 13.520 người. Về nhà ở, uớc tính giá trị thiệt hại 1.052,4 triệu đồng, gồm 2.114 ngôi nhà bị ngập nước, 76 ngôi nhà bị thiệt hại một phần, 04 ngôi nhà bị thiệt hại nặng và 01 ngôi nhà bị thiệt hại rất nặng.
Đối với giáo dục, một số điểm trường bị thiệt hại về cơ sở vật chất và bị ngập lụt, ước tính giá trị thiệt hại 388,7 triệu đồng. Nông nghiệp diện tích lúa bị ảnh hưởng 18.102ha, trong đó diện tích lúa bị thiệ thại hoàn toàn là 6.763ha, diện tích lúa thiệt hại rất nặng 11.339ha. Ước giá trị thiệt hại 381.500,0 triệu đồng. Tổng diện tích rau màu bị thiệt hại là 3.800 ha, ước giá trị thiệt hại 105.750,0 triệu đồng.
Số lượng hoa, cây cảnh các loại bị thiệt hại 2.145 cây, ước thiệt hại 1.136,5 triệu đồng. Diện tích cây trồng lâu năm là 36,5ha, giá trị thiệt hại khoảng 323,5 triệu đồng. Diện tích cây trồng hàng năm 155,5ha, ước giá trị thiệt hại 390,0 triệu đồng. Số lượng cây xanh bị đổ và ngập trong nước do bão và lũ 4087 cây, ước giá trị thiệt hại 8.230,9 triệu đồng.
Đối với chăn nuôi, số gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi 833 con, trong đó số gia súc 58 con lợn, số gia cầm 775 con, uớc giá trị thiệt hại 552,0 triệu đồng. Trong đó, thiệt hại về gia súc, gia cầm 392,8 triệu đồng, thiệt hại chuồng trại, cơ sở vật chất 65,7 triệu đồng, thiệt hại khác 93,5 triệu đồng.
Công trình thủy lợi, một số tuyến bờ bao, bối bị tràn gồm: Bờ bao xã Hồng Quang, bờ bao xã Yên Khang thuộc huyện Ý Yên; bối An Tuỳ, huyện Nam Trực; bối Nam Quần Liêu, huyện Nghĩa Hưng; bối Xuân Thành, huyện Xuân Trường.
Một số bối đang chống tràn gồm: Đê bối Yên Phúc, Yên Lộc, Yên Nhân thuộc huyện Ý Yên; đê bối Phương Định, huyện Trực Ninh; bối Phù Sa thượng, huyện Nghĩa Hưng; bối Liêu Đông, huyện Xuân Trường; bối xí nghiệp gạch, bối Đại An, huyện Nam Trực; đê Hồng Long, Hồng Hà thuộc TP Nam Định; đê bối Đồng Gò, huyện Hải Hậu.
Một số cống xuất hiện lỗ rò gồm: cống Mý, TP Nam Định; cống Sa Trung (bối Đồng Tâm, Vụ Bản); cống An Thịnh, cống Mười Sáu thuộc bối Yên Phúc, Ý Yên; cống An Lá, huyện Nam Trực; cống Cổ Lễ huyện Trực Ninh; cống Đồng Nê, cống Kẹo huyện Xuân Trường. Một số đoạn xuất hiện nhiều điểm rò rỉ thẩm lậu ở vị trí K145-K158 tả Đáy, huyện Ý Yên; K195+500-K196+500, K197+800- K197+950 hữu Hồng, Xuân Trường đã xử lý giờ đầu.
Bờ tả kênh xả trạm bơm Quán Chuột bị vỡ một đoạn khoảng 15m, đến 9h ngày 13/9/2024 đã xử lý gia cố bờ kênh và phá đập tạm để đảm bảo tiêu thoát nước. Sạt trượt mái đê phía đồng đoạn K3+890 đê Tả Ninh thuộc địa phận xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường với chiều dài 20m đã xử lý giờ đầu.
Theo đại diện UBND tỉnh Nam Định, do mưa lớn, nước lũ lên cao nhiều tuyến đường giao thông bị ngập lụt. Đến nay (ngày 13/9), nước đang rút dần, giao thông không bị ảnh hưởng. Cầu phao Ninh Cường nối QL37B nước chảy xiết vướng vật cản trôi dạtlàm ảnh hưởng đến kết cấu cầu phao, hiện đang được xử lý.
Đối với ngành thủy sản, toàn tỉnh hiện có 699,5ha nông nghiệp thuỷ sản bị ảnh hưởng, tổng thiệt hại ước tính khoảng 32.297,8 triệu đồng. Trong đó, cá thiệt hại 495,5ha, giá trị thiệt hại khoảng 28.917,8 triệu đồng. Tôm nuôi nước lợ 108 ha, giá trị thiệt hại khoảng 2.530 triệu đồng. Ngao là 96 ha, giá trị thiệt hại khoảng 700 triệu đồng. 15 lồng nuôi cá nước ngọt, ước tính thiệt hại khoảng 150 triệu đồng.
Do ảnh hưởng của bão và lũ, toàn tỉnh Nam Định có 60 cột điện bị đổ bao gồm: 59 cột điện hạ thế và 01 cột điện trung thế 110kV bị đổ, gãy và 1530m hệ thống đường điện liên quan bị ảnh hưởng cùng một số thiệt hại từ nhà xưởng, xí nghiệp với tổng thiệt hại khoảng 1.095,0 triệu đồng.
Bên cạnh đó, nhiều công trình như chợ, công trình phụ trợ và tường rào bị đổ với tổng thiệt hại ước khoảng 646,5 triệu đồng.
Hiện nay, tỉnh Nam Định bước đầu động viên nhân dân, doanh nghiệp vùng sơ tán, bị ảnh hưởng do bão và mưa lũ sau bão gây ra; đảm nơi ở và các điều kiện sinh hoạt để ngườidân yên tâm cư trú trong thời gian sơ tán; huy động các lực lượng hỗ trợ người dân bị di dời tránh bão trở về nhà (khi nước rút và đảm bảo tuyệt đối an toàn), hỗ trợ người dân khắc phục các thiệt hại do bão gây ra.
Tập trung huy động mọi lực lượng, các phương tiện máy móc để bơm tiêu úng cho lúa và hoa màu nhằm hạn chế tối đa tình trạng ngập úng; hướng dẫn người chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản thực hiện cácbiện pháp vệ sinh chuồng trại, vùng nuôi, đảm bảo an toàn vật nuôi; kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý dịch bệnh sau bão, mưa lũ đảm bảo yêu cầu.
Kiểm tra và xử lý khắc phục các hư hỏng công trình thủy lợi, đê điều để đảm bảo an toàn công trình. Tập trung sửa chữa, khôi phục hệ thống điện, viễn thông tại những nơi xảy ra sự cố, bảo đảm cấp điện cho công tác phòng chống ngập úng, hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân.