Người trồng đào tết ở Nam Định mặt buồn rười rượi sau mưa lũ

Sau cơn bão số 3, nước lũ tràn về nhanh đã gây ngập úng nhiều diện tích đào ở xã Nam Điền, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định, khiến người trồng đào mặt buồn rười rượi.

Đã hơn 10 ngày nay, 4 máy bơm công suất lớn, đặt ở các con mương, cạnh vườn đào xóm Tiền Phong 2 (xã Nam Điền, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) hoạt động liên tục cả ngày lẫn đêm. Bốn máy bơm này được những người trồng đào ở đây đóng góp kinh phí, mua để bơm nước, cứu đào.

Ông Hạ Văn Tạo (xóm Tiền Phong 2, xã Nam Điền, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) bẻ cành, nhổ gốc, thu dọn vườn tược sau khi vườn đào bị nước lũ nhấn chìm

Mặc dù nhiều vườn đào bị ngập úng, có dấu hiệu thối rễ, héo lá và chết dần, song những ông chủ vườn đào ở làng trồng đào lớn nhất Nam Định vẫn hy vọng nước rút nhanh, “cứu được cây đào nào hay cây đó; còn nước, còn tát”.

Vườn đào hơn 1 mẫu của gia đình anh Nguyễn Văn Mạnh, xóm Tiền Phong 2, xã Nam Điền, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định sau mưa lũ, bùn đất nhão nhoét, phủ kín các gốc đào.

Anh Mạnh cho hay, bão Yagi tan đi, nước lũ tràn về, dâng cao khiến anh và mọi người trong làng không kịp trở tay. Chỉ sau vài tiếng đồng hồ, nước lũ đục ngầu màu phù sa đã nhấn chìm nhiều vườn đào, trong đó vườn đào của gia đình anh.

Nhà anh Mạnh trồng hơn 2.000 cây, chủ yếu là trồng đào nuôi gốc bán cành; còn lại là đào rừng gốc to, anh chỉ cho thuê, không bán.

Qua thống kê, gia đình anh có khoảng 1.000 cây đào gần 3 năm tuổi đã chết, không thể phục hồi lại được, số đào còn lại cũng đang sống trong tình trạng “ngắc ngoải” chưa rõ sống chết ra sao, vì vậy số lượng đào chết vẫn tiếp tục tăng.

Người dân cưa cành, nhổ gốc, chất đống ở đầu bờ

Ngoài ra, trong vườn của gia đình anh Mạnh còn có gần 10 cây đào rừng nhiều năm tuổi, gốc to, bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, anh khẳng định không thể cứu chữa được nữa. Anh đang chờ nắng lên, cây héo hẳn rồi cưa bỏ cành, đào đất, đánh gốc vứt bỏ đi.

Với kinh nghiệm trồng đào lâu năm, anh Mạnh cho rằng, nếu đào bị ngập úng từ 1 – 2 ngày thì còn có cơ hội khắc phục, chứ ngập nhiều ngày liên tiếp thì chắc chắn đào sẽ thối rễ và chết, kể cả cây đào lâu năm cũng không ngoại lệ.

“Gia đình tôi ước tính thiệt hại gần 500 triệu đồng”, anh Mạnh buồn rầu nói với chúng tôi, rồi quay mặt lau nước mắt đang trực trào rơi.

Cách đó không xa, gia đình ông Hạ Văn Tạo, xóm Tiền Phong 2, xã Nam Điền, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định cũng bị thiệt hại 400 gốc đào 3 năm tuổi. Ước tính thiệt hại gần 150 triệu đồng.

Nhiều vườn đào đang chết dần, chết mòn

Những ngày qua, ông Tạo lủi thủi một mình ở ngoài vườn để bẻ cành, đào bỏ gốc chết, rồi thu dọn lại vườn tược. Ông dự tính, thời gian tới sẽ trồng ngô hoặc trồng rau ngắn ngày, nhằm kiếm thu nhập tạm thời.

Hiện, vườn đào giống của gia đình ông Tạo cũng đã chết sạch, ông chưa biết tìm kiếm nguồn cây giống ở đâu để ươm trồng, khôi phục lại vườn đào vào năm sau.

“Năm ngoái, thời tiết ấm, đào nở sớm, gia đình đã thất thu dịp cuối năm. Đến năm nay, do ngập úng, vườn đào chết hết sạch, gia đình lại mất trắng, buồn thật sự”, ông Tạo buồn rầu chia sẻ.

Theo những người trồng đào nơi đây, do diện tích đào thương phẩm, đào giống bị chết nhiều nên sẽ phải mất thời gian rất dài mới khôi phục lại được những vườn đào tiền tỷ.

nguồn : https://thuonghieucongluan.com.vn/nguoi-trong-dao-tet-o-nam-dinh-mat-buon-ruoi-ruoi-sau-mua-lu-mot-nam-that-thu-a237307.html

Tin liên quan